Chính sách đối với người lao động trong quá trình làm việc 3 tại chỗ và tử vong do mắc Covid-19
- Dược liệu
- 22:06 - 29/03/2022
Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhiều doanh nghiệp buộc phải thực hiện "3 tại chỗ". Để đảm bảo quyền lợi của người lao động thực hiện "3 tại chỗ", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ, ngày 24 tháng 8 năm 2021 về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thì người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện "3 tại chỗ" để sản xuất được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người lao động tiền ăn. Trong đó, một số doanh nghiệp có người lao động tử vong do mắc Covid-19 trong quá trình làm việc 3 tại chỗ, có được xác định là tai nạn lao động và việc giải quyết chế độ đối với họ. Để làm rõ vấn đề này, căn cứ vào các quy định sau: Trường hợp người lao động bị nhiễm Covid-19 là trường hợp bị mắc bệnh truyền nhiễm được quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, trường hợp này theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động không đủ căn cứ để xác định là tai nạn lao động.
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng Thông tư hướng dẫn bổ sung Bệnh Covid-19 nghề nghiệp và Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, đối tượng áp dụng là những người làm nghề, công việc bắt buộc phải tiếp xúc với Covid-19, như: Người làm việc trong các cơ sở y tế, công an, quân đội… tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19 và các trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương có chức năng tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, lao động sản xuất; tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy.