Chính sách BHXH - Điểm tựa an sinh vững chắc
- Dược liệu
- 17:27 - 13/02/2021
Thực hiện linh hoạt, kịp thời, sáng tạo chính sách BHXH, BHYT
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng. Nguy cơ nợ BHXH tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN do lao động mất việc làm, số doanh nghiệp thành lập mới không tăng. Gây áp lực đến mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện do phải thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động…
Trước tình hình trên, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân. Chính phủ khởi động mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa hoặc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Và mới đây nhất, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp nên mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn đạt được kết quả tích cực.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Duy trì và tăng trưởng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân với 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đặc biệt, so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%…
Đặc biệt, công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, với phương thức quản lý hiện đại, linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, bão lũ tại miền Trung; đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.
Cũng trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới BHXH hàng tháng; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; gần 167,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT... Duy trì việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho trên 3,2 triệu người (trong đó: chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân). Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách BHTN cũng giúp hàng trăm nghìn NLĐ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này. Năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2019.
Nỗ lực góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Bước sang năm 2021 - năm hoàn thành mục tiêu đầu tiên của Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, toàn quốc phấn đấu: Đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.
Để đạt được những mục tiêu trên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Hai là, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 125 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28; các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Ba là, đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 28.
Năm là, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT đảm bảo đúng quy định và dự toán được Chính phủ giao năm 2021. Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Sáu là, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng BHXH số - VssID.
Bảy là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai hiệu quả Đề án "Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị định số 89 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức toàn Ngành vững nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tận tụy, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.
Tám là, thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
"Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách này, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thu, chi các chế độ BHTN, quản lý và sử dụng quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BHTN nhằm đưa NLĐ thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp (cả về mặt chính sách cũng như hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện chính sách dạy nghề, hệ thống tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ bị thất nghiệp hiện nay). Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ. Mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài hỗ trợ học nghề. Đổi mới, nâng cao chất lượng của các trung tâm dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; gắn công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động… để chính sách BHTN phát huy hiệu quả tốt hơn nữa", ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.