THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:48

Chính sách BHTN- Không đơn thuần chỉ là khoản trợ cấp

Trợ cấp thất nghiệp- giúp người  lao động vượt qua những khó khăn trước mắt

Trước hết, tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trợ cấp thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng.  Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm. Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết…

Lớp dạy pha chế đồ uống cho lao động thất nghiệp

Lớp dạy pha chế đồ uống cho lao động thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vài năm gần đây không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2020 con số này lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019 thì đến năm 2022, mặc dù dịch Covid-9 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn có khoảng 900 nghìn  người đăng ký hưởng TCTN. Với  khoảng 14,3 triệu người tham gia BHTN, bằng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi như hiện nay,  có thể thấy, chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi giúp hàng triệu lao động mất việc có một khoản tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống trước mắt và tìm kiếm cơ hội quay trở lại thị trường lao động.

Mục tiêu cao hơn của BHTN là giúp người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không chỉ được nhận trợ cấp thất nghiệp mà còn được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đặc biệt là được hỗ trợ học nghề. Hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Bên cạnh đó, người lao động cũng được hỗ trợ học nghề. Hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

 Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Khác với các quyền lợi trên, quyền lợi về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm được chi trả cho người sử dụng lao động.

Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Với người có nhu cầu học nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho họ những ngành, nghề phù hợp tại cơ sở dạy nghề uy tín, để họ chủ động lựa chọn.

Mặc dù học nghề có rất nhiều lợi thế để chuyển đổi công việc, sớm quay lại thị trường lao động như thế nhưng hầu hết lao động chỉ quan tâm đến hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến việc học nghề. Trên thực tế, số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp… Theo thống kê từ Cục Việc làm, số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số lựa chọn một số nghề trình độ sơ cấp như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp

Lý giải cho việc rất ít lao động không quan tâm đến học nghề, TS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia về lao động, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, những lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động  phổ thông, đa số không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới trong khi chính sách của bảo hiểm thất nghiệp chỉ hỗ trợ chi phí học nghề mà chưa hỗ trợ các chi phí khác nên người lao động gặp khó khăn khi bản thân phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề.

“Tuy vậy, người lao động không nên vì lợi ích trước mắt mà quá quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, cơ cấu cung - cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay thì việc lựa chọn học những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường sẽ là chiếc "phao cứu sinh" cho người lao động. Bên cạnh đó, để thu hút lao động thất nghiệp học một nghề phù hợp với bản thân trước khi quay trở lại tham gia vào thị trường việc làm thì cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề, kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề , xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp”, TS Nguyễn Thị Lan Hương nói

Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình , vai trò của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở tất cả các nước trên thế giới, cả về mặt lý luận và thực tiễn, đều đã khẳng định rõ không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro, mà quan trọng hơn là còn phải hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. “Hơn 10 năm qua, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta đã làm tốt việc chi trả, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, nhưng để đáp ứng được yêu cầu đề ra vẫn còn nhiều việc phải làm.”- Ông Bình nói.

Theo ông Vũ Trọng Bình, trước mắt là sửa Luật Việc làm với 4 nhóm chính sách lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững, trong đó, nhóm chính sách thứ hai là  hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp làm công cụ quản trị thị trường lao động. Luật sửa đổi bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh