THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:17

Chính phủ mới, sức bật mới

“Nóng” từ nợ công

Kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội đất nước 5 năm 2016 - 2020 với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện. Việc thực thi những quyết sách, kế hoạch đó trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong báo cáo gửi tới các đại biểu QH về tình hình kinh tế năm 2015, Chính phủ thừa nhận tổng thu ngân sách Nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ - đây được coi là mối lo lớn, khi toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ. Tổng chi ngân sách Nhà nước hiện lên tới hơn 1,2 triệu tỉ đồng, khiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 lên tới 256 nghìn tỉ đồng, tương đương 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo QH trước đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ.

Theo các chuyên gia, hiện nay nợ Chính phủ đã đến ngưỡng nguy hiểm, đặc biệt là vay nợ nước ngoài đã vượt ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi điều kiện, khả năng trả nợ của Việt Nam vô cùng khó khăn. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ nhiệm kỳ mới là phải phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Các đại biểu QH cho rằng, để khắc phục bội chi, giảm nợ công, chắc chắn Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phải triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm, đầu tư và phải rất thực tế, tránh dàn trải, kém hiệu quả. “Chúng ta đầu tư khoảng 7 thì mới được 1 tăng trưởng, nghĩa là càng đầu tư thì càng thất thoát vốn. Đây chính là cảnh báo đối với nhiệm kỳ tới cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả đầu tư, chứ không phải đầu tư một cách dàn trải, đầu tư bằng mọi giá”- đại biểu Lê Như Tiến chia sẻ về những thách thức của Chính phủ.

3 Phó Thủ tướng mới của Chính phủ gồm các ông: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng.

Nền kinh tế đã ổn định nhưng dễ bị “sốc”, “tổn thương” khi bội chi không ngừng tăng, nợ công có thể nhanh chóng chạm trần, số lượng doanh nghiệp “chết” ngày càng nhiều, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, vấn đề Biển Đông phức tạp… Điều này đặt ra bài toán khá nan giải cho Chính phủ mới trong giai đoạn tới.

Không để tham nhũng, tiêu cực tràn lan

Đây là một trong 6 mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ ưu tiên giải quyết hàng đầu, khi ông nhậm chức. “Chính phủ sẽ không lùi bước, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, rào cản đối với sự phát triển; từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ cương phép nước, không để tham nhũng, tiêu cực nhũng nhiễu tràn lan..." - Thủ tướng đưa ra cam kết.

Ghi nhận điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Công Hồng cho rằng: “Cả hệ thống chính trị của chúng ta đã nỗ lực cố gắng, nghiêm túc thực hiện nhưng rõ ràng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước chuyển biến vẫn chậm. Theo tôi xây dựng một kế hoạch phát triển có thể từ dưới lên, nhưng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì phải từ trên xuống và từ trong ra ngoài. Tôi nghĩ chúng ta không sợ mất cán bộ, vì chính sự làm gương có sức mạnh răn đe và phòng ngừa”.

Đời sống người lao động ngày càng được nâng cao.        (Ảnh minh họa).

Cùng với tăng trưởng kinh tế, giữ vững các cán cân kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Như Tiến kỳ vọng, Chính phủ mới sẽ ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí. “Nếu cả 3 nhiệm vụ này làm tốt trong khi tham nhũng, lãng phí vẫn hoành hành thì sẽ gây nhức nhối cho xã hội, làm bất ổn lòng dân và kết quả tăng trưởng kinh tế giảm hiệu quả vì thành quả của sự phát triển bị một số người chiếm đoạt, bị mất đi do lãng phí. Tham nhũng, lãng phí được coi là quốc nạn. Vì thế, không phải tôi, mà tất cả đại biểu QH, cử tri và nhân dân cả nước đặt niềm tin và kỳ vọng rằng, quốc nạn tham nhũng, lãng phí sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi. Tôi hy vọng, với kinh nghiệm của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực sự quyết tâm, chắc chắn đáp ứng được nguyện vọng, kỳ vọng của nhân dân, của cử tri và QH trong mặt trận chống nội xâm này”, ông Tiến bày tỏ.

Trước những kỳ vọng của các đại biểu QH, của nhân dân, để đạt được các mục tiêu đề ra này, đòi hỏi các thành viên Chính phủ không ngừng nỗ lực, "dám làm, dám chịu trách nhiệm". “Các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần kiến tạo, tập trung đề xuất cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo nguồn lực cho phát triển. Cái gì kìm hãm thì bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân

Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 yêu cầu Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế, đánh giá và xây dựng lộ trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề.

Về những mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020, ngay tại  phiên bế mạc nhiệm kỳ QH khoá XIII (ngày 12/4), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Theo đó, từ nay đến năm 2020 phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 khoảng 4% GDP; năng suất lao động  bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.

Trao đổi về các mục tiêu này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tôi cho rằng, điều mà Chính phủ nhiệm kỳ tới cần đặc biệt quan tâm đó là, tập hợp được trí tuệ, sự đoàn kết của hơn 90 triệu dân, từ đó thực hiện các mục tiêu chiến lược, vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng ở mức cao hơn nhiệm kỳ vừa qua nhưng vẫn bảo đảm được an sinh xã hội, kiềm chế được lạm phát, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Có thể thấy, nhân dân và cử tri tràn đầy hi vọng, vì ngay sau khi nhậm chức, thông điệp của tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất rõ ràng, ông khẳng định sẽ phải đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tập trung cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương kỷ luật. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng và "cương quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền" được nhấn mạnh là những nhiệm vụ trọng tâm.

Thách thức rất lớn, nhưng có thể thấy rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu rất rõ những điểm cốt yếu mà ông cùng toàn thể Chính phủ sẽ phải tập trung xử lý, để kế thừa những thành quả tốt đẹp của các kỳ Chính phủ tiền nhiệm, tiếp tục đưa đất nước phát triển vững chắc và ổn định, đảm bảo an sinh xã hội đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhóm chỉ tiêu về xã hội:

Phấn đấu, nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2020 đạt khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến năm 2020 dưới 4%; đến năm 2020 có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh