Chính phủ luôn trân trọng, lắng nghe hiến kế của các trí thức
- Tây Y
- 14:49 - 20/08/2016
“Nếu các bạn có kiến nghị làm việc với bộ, ngành, cơ quan nào thì Chính phủ tạo điều kiện, sẵn sàng hỗ trợ”, Thủ tướng nói và mong muốn Hội tiếp tục phát triển, có thêm nhiều dự án hợp tác tại Việt Nam và những hoạt động, đóng góp của Hội sẽ lan tỏa mạnh mẽ, là động lực thúc đẩy hoạt động của các hội đoàn khác của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và GS Nguyễn Đức Khương
Thủ tướng mong muốn Hội sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục mở rộng hơn nữa mạng lưới, đặc biệt là chú trọng hơn nữa việc tăng cường vị thế của cộng đồng ở nước sở tại để cộng đồng hội nhập ngày càng vững chắc hơn.
Tại buổi tiếp, GS. Nguyễn Đức Khương cho biết, hiện Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp đang hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đề án nghiên cứu và phát triển thành phố thông qua 3 giải pháp chính là hệ sinh thái dữ liệu mở, chính sách phát triển kinh tế, tài chính, đầu tư và giáo dục đại học.
“Ngoài công tác nghiên cứu, giải dạy, Hội còn là cây cầu nối giữa các doanh nghiệp, trường đại học, bộ, ngành của Việt Nam với các nước”, GS. Nguyễn Đức Khương cho biết và bày tỏ mong muốn được tham vấn, đề xuất những giải pháp giải quyết các vấn đề về kinh tế, tập hợp, sử dụng chuyên gia, trí thức cũng như tạo động lực cho thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên.
GS. Nguyễn Đức Khương, SN 1978, hiện là Phó Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School).
Tháng 2/2016, GS. Khương được dự án RePEc (Research Papers in Economic) xếp hạng 7/200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới do có ấn phẩm xuất bản nhiều nhất từ 10 năm trở lại đây. GS. Khương đã tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trường ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và tham gia tư vấn cho một số Chính phủ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines./.