THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:22

Chính phủ đề xuất áp dụng biện pháp chống dịch như ban bố tình trạng khẩn cấp

Chiều ngày 24/7, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Chính phủ, Thủ tướng cần được trao quyền chủ động hơn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid -19.

Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết vì dịch bệnh chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh", ông Long nói.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và đời sống nhân dân…

Tuy nhiên, Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Từ lý do trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch Covid -19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ đề xuất áp dụng biện pháp chống dịch như ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Trong dự thảo, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Đồng thời được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid -19.

Trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất…

 Quyết tâm thắng đại dịch

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đưa nội dung phòng, chống dịch Covid -19 vào nghị quyết chung của kỳ họp là phù hợp.

“Dự thảo này được đọc, biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc thể hiện sự chia sẻ kịp thời đối với nhân dân, cử tri cả nước, đồng thời chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội, cơ quan đại biểu nhân dân về quyết tâm đoàn kết, chiến thắng đại dịch vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Với các nội dung đưa vào dự thảo nghị quyết, cơ quan thẩm tra nhất trí với việc Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng các biện pháp, ban hành chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Nếu áp dụng các biện pháp để ban hành chính sách có các quy định khác khác với các quy định của luật, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện và Chính phủ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội.

"Nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia", bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Dự kiến, các nội dung về phòng, chống Covid -19 đưa vào Nghị quyết được thực hiện đến ngày 31/12/2022. 

Trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Chính phủ báo cáo xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Trước đó, trong sáng nay 24/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với với tổng số 474/474 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 94,99% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua việc bổ sung vào chương trình Nghị quyết chung của kỳ họp nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

"Nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường cùng với nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 vào ngày 27/7", đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng - Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh