THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:54

Bài 7: Gói hỗ trợ an sinh "cái phao" để doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch bệnh

Gói hỗ trợ an sinh: Cái phao để doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch bệnh - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Kinh doanh Nguyễn Trí Hiếu.

*Tác động của dịch Covid sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thưa ông?

Dịch Covid 19 sẽ tác động rất mạnh đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Số liệu thống kê, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 với sự sụt giảm tăng trưởng ở cả ba khu vực (công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản). Bức tranh kinh tế quý I ghi nhận gam màu xám ở hầu hết các lĩnh vực: Ngành công nghiệp tăng trưởng thấp với công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020 và khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh; tăng trưởng tín dụng cũng ở mức thấp nhất trong 5 năm qua ở mức 0,68%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh; cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng gặp nhiều khó khăn do số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.... Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tại thời điểm này chưa ai có thể lượng đoán được thời điểm chúng có thể kiểm soát được dịch covid 19. Trên thế giới và Vệt Nam số người nhiễm bệnh càng ngày càng tăng, biện pháp cách ly xã hội Chính phủ đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh là rất quan trọng trong lúc này tuy nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay là không thể đạt được. Đó là điều chắc chắn. Trong tình trạng dịch bệnh sớm kiểm soát được thì kịch bản tốt nhất về tăng trưởng kinh tế năm chỉ có thể đạt được ở mức 5%.

*Mới đây, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid 19, trong đó đặc biệt phải kể đến chính sách hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với các doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh hiện thưa ông ?

Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm và mất việc làm ở một số khu vực gia tăng, tốc độ tăng phụ thuộc vào diễn biến dịch. Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng về ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài doanh thu sẽ giảm rất mạnh và dẫn đến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn, cắt giảm tiền lương, đồng thời nguy cơ phá sản cao.

Do vậy, tất cả những chính sách Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ở giai đoạn này là rất quan trọng để giúp doanh nghiệp và người dân chống chọi được dịch bệnh đảm bảo cuộc sống. Đặc biệt các chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, hoãn đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân… là cần thiết. Trong lúc này mỗi người dân, người lao động cần có sự hỗ trợ của Chính phủ một khoản tiền để họ có thể duy trì cuộc sống đặc biệt với những người bị mất công ăn việc làm, hộ kinh doanh không thể bán hàng được. Vấn đề sống còn của người dân là quan trọng vì vậy sự trợ cấp trực tiếp cho người dân lúc này có thể coi như cái phao cứu sinh để người dân để họ duy trì cuộc sống vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các nước trên thế giới họ cũng làm vậy, hình thành những gói cứu trợ nền kinh tế, gói hỗ trợ người lao động mất việc làm để phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh.

Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn.

* Bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, theo ông các doanh nghiệp phải có những giải pháp như thế nào để vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay?

Các doanh nghiệp phải lên kế hoạch cho bản thân doanh nghiệp, những kế hoạch dự phòng dựa trên kịch bản khác nhau. Từ kịch bản tốt nhất cho đến kịch bản xấu nhất. Họ phải có những kịch bản để đề ra những giải pháp cho những kịch bản đó. Bênh cạnh đó, các doanh nghiệp phải cắt giảm tất cả các chi phí có thể cắt giảm được như thù lao cho lãnh đạo các doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí đi lại, quảng cáo…

Đồng thời, lên phương án dự phòng về tài chính. Những doanh nghiệp nào lao đao rồi thì phải đi tìm giải pháp tháo gỡ, tìm hướng đi mới. Những doanh nghiệp nào còn trụ được thì phải lên kế hoạch tài chính dự phòng, đàm phán ngân hàng với ngân để họ cung cấp hạn mức tín dụng và đàm phán với nhà đầu tư để họ có quỹ dự phòng cho mình khi cần đến.

Trong giai đoạn doanh nghiệp cho lao động tạm ngưng việc, giãn việc, nghỉ việc thì có thể tận dụng thời gian này đào tạo lại lao động để có thể sử dụng lại nguồn lao động này sau khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp nên có các chương trình đào tạo sâu hơn, tái đào tạo lao động của mình.

Sau khủng hoảng này nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi cách vận hành so với trước đây. Nền kinh tế thế giới sẽ dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, thương mại điện tử, sử dụng robot. Theo hướng đó các doanh nghiệp nên có chương trình đào tạo cán bộ quản lý riêng để có thể sử dụng công nghệ thông tin, phương thức bán hàng cũng như những phương thức kinh doanh sáng kiến sáng tạo…Cần sử dụng thời gian hữu ích này để tái đào tạo nâng cao năng suất lao động.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh