CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:52

Chiêu điểm huyệt hẹn giờ chết của người làm trùm giang hồ Khánh Trắng run rẩy

 

Võ sư Nguyễn Văn Thắng sở hữu rất nhiều loại công phu đặc dị, trong đó có tuyệt kỹ điểm huyệt hẹn giờ chết.

Thực hư tuyệt kỹ điểm huyệt hẹn giờ chết

Theo khẳng định của võ sư Nguyễn Văn Thắng, người được mệnh danh là "Đông Nam Á đệ nhất nội công", với rất nhiều công phu đặc dị hiếm có trên giang hồ thì tuyệt kỹ điểm huyệt hẹn giờ chết là hoàn toàn có thật.

"Một ngày có 12 canh giờ thì có 6 canh giờ là các lục phủ ngũ tạng bắt đầu thu năng lượng và 6 canh giờ còn lại là xả. Ví dụ như từ 3-5h sáng là lúc phế (phổi) thu năng lượng rồi bắt đầu xả từ 3-5h chiều.

Nếu vào đúng những canh giờ đó, ta dùng nội công đánh vào phế khiến cơ quan này không thể thu hoặc xả năng lượng, ắt sẽ bị tê liệt khiến đối thủ có thể chết lập tức hoặc chết dần chết mòn tùy theo lực đánh nặng hay nhẹ.

Điều tương tự cũng xảy ra nếu ta đánh vào can (gan) trong thời gian từ 5-7h sáng (lúc nhận năng lượng) hoặc 5-7h chiều (lúc xả), hoặc những cơ quan nội tạng khác trong những quãng thời gian khác" – võ sư Thắng phân tích.

Võ sư Thắng bảo, nếu ra đòn mạnh vào những phần nội tạng đúng vào những giờ nó nhận hoặc xả năng lượng, có thể làm các cơ quan đó bị bế khí toàn phần, có thể làm mất mạng tức thì hoặc sau vài ngày.

Còn nếu dùng nội công vừa phải sẽ gây ra bế khí một phần khiến cơ thể nạn nhân bị suy kiệt dần, theo từng ngày, từng tuần, từng tháng… Nhưng cũng với một lực đánh như thế song nếu đánh vào chỗ khác, nạn nhân sẽ chỉ gặp chấn thương nhẹ.

Theo vị chưởng môn Thăng Long võ đạo, việc đánh hẹn giờ chết thực chất không hề hoang đường mà hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên để có thể thực hiện được lại là chuyện khác bởi ngoài khí công, nội công thâm hậu, bắt buộc người đánh cần phải hiểu rất rõ về giải phẫu cơ thể, hệ thống kinh lạc, huyệt đạo, sự chu chuyển của sinh lực…

Võ sư Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, để luyện và kiểm soát được tuyệt kỹ này là rất khó bởi thực chất đây là những phương pháp bí truyền. Mặc dù hiểu rất rõ về nó, nắm rõ hầu hết mọi quy tắc nhưng ông chưa một lần sử dụng nó ở ngoài đời.

"Không phải cái gì mình tập luyện cũng để đem ra áp dụng ngoài đời. Đặc biệt là môn này bởi nó còn là đạo lý của người học võ nữa. Mọi người cũng không nhất thiết phải tập nó làm gì bởi luyện võ bản chất không phải là để làm hại người khác" – võ sư khẳng định.

Màn đấu bất đắc dĩ và lần chạm trán trùm giang hồ Khánh Trắng

Cách đây vài chục năm, võ sư Thắng quyết định mở lớp võ tại khu vực xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và Đình Bảng (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh).

Hồi đó, hai làng thường xuyên xảy ra mẫu thuẫn nên mỗi khi ông dạy ở xã này thì người xã kia lập tức tìm cách quấy rối, phá đám. Thậm chí người dân xã Ninh Hiệp còn đưa ra yêu sách "đã dậy võ ở đây rồi thì không được dạy ở Đình Bảng nữa".

Hồi đó, võ sư Thắng bỗng dưng trở thành đối tượng được đầy đủ các thành phần bất hảo của các nơi này đưa vào diện "chăm sóc đặc biệt".

Có lần, sau một buổi dạy võ ở Ninh Hiệp, võ sư Thắng đạp xe trở về lúc trời đã tối mịt. Bỗng dưng, ông bắt gặp cả một đám trai tráng lực lưỡng chặn giữa con đường mòn độc đạo.

Cả đám xếp thành hàng ngang giăng kín con đường nhỏ, ở hai bên đường là những cánh đồng lúa bạt ngàn. Thấy "có biến", võ sư Thắng dừng xe, châm điếu thuốc hút đầy thản nhiên.

Rít được nửa điếu, ông bước tới nói với đám thanh niên: "không biết các anh đứng đây có việc gì nhưng xin phép các anh cho tôi đi qua để còn về nhà vì trời khuya quá rồi".

Thấy ông cất lời, cả đám dẹp sang một bên để mặc ông đi qua. Tuy nhiên, hôm sau, lũ trai tráng lại tổ chức chặn đường nhưng không dàn hàng ngang nữa mà lại bê cả những tảng đá rồi xếp kín hết đường.

Vừa thấy ông đạp xe tới, cả đám lập tức nói thẳng ý định xin được thách đấu. Biết khó có thể từ chối nên võ sư Thắng nhận lời. Hai bên hẹn sẽ tái ngộ vào hôm sau.

 Rất nhiều kiếm cùng một số loại binh khí đặc dị được võ sư Nguyễn Văn Thắng tập luyện công phu.

Như lời hẹn, hôm sau vừa giờ tan tập, cả đám liền kéo tới. Một gã to lớn, cơ bắp cuồn cuộn, tự xưng đã tập võ nghê tinh thông liền bảo: "Nghe danh thầy đã lâu, hôm nay chúng tôi rất muốn được thọ giáo".

Nói xong, gã đứng thủ, giơ một thế tay đao, một thế tay hổ rồi nói: "Tôi có thế võ này chưa ai phá được, không biết thầy có phá được không, nhưng đòn này của tôi cần phải có 2 người". Võ sư Thắng gật đầu.

Lập tức một gã bay người chồm lên dũng mãnh, rút hai chân lên cao rồi đưa tay định đánh một đòn hổ tựa như vũ bão.

Trong khoảnh khắc, nhận thấy đối phương sát khí đằng đằng, vị võ sư hiểu rằng nhất quyết không thể nương tay được.

Trong tích tắc ông lách người nhập nội, xà thấp người dùng một tay triệt đòn chân, tay còn lại ông vặn mình tung cú đấm thốc từ dưới lên, khiến gã thanh niên rơi bịch xuống như một bao đất, nằm giãy đành đạch.

Thấy đồng bọn bị dính đòn hiểm, cả đám bỗng im lặng không ai dám động thủ. Nhưng vẫn chưa phục, nhóm trai tráng hẹn sẽ tái ngộ vào một ngày nữa mà người thọ giáo lần sau sẽ là nhân vật khác với võ công cao cường.

Hôm sau, tất cả lại tái ngộ nhưng lần này lại xuất hiện thêm một người đàn ông ngưỡng tuổi trung niên tự dưng là thầy của nhóm trai tráng kia.

Tuy nhiên, khi vừa trao đổi được vài câu, biết võ sư Thắng là truyền nhân của Thăng Long võ đạo, là hậu duệ của cố đại võ sư Văn Nhân và dòng võ Yên Thế nên vị thầy kia liền lập tức bái lạy rồi thay mặt đám đệ tử xin được tạ lỗi vì đã trót mạo phạm.

 Võ sư Nguyễn Văn Thắng là một tên tuổi lớn trong làng võ thuật Việt Nam đương đại.

Theo lời võ sư Nguyễn Văn Thắng kể, cũng có những lần ông chưa xuất chiêu nhưng đối thủ cũng phải rất kính nể và từ từ bỏ ý định quyết đấu hơn thua, kể cả với những "số má" khét tiếng như trùm giang hồ Khánh Trắng.

Cách đây cũng khá lâu, võ sư Nguyễn Văn Thắng có một người bà con làm nghề buôn bán và sở hữu vài cửa hàng rất lớn trên phố Lãn Ông và tại chợ Đồng Xuân.

Hồi đó, với vai trò làm bảo kê và bao thầu những khu vực này nên Khánh Trắng đã tiến hành uy hiếp, gây sức ép vì sợ việc làm ăn của đàn em bị ảnh hưởng.

Thấy bà con của mình bị trùm giang hồ bắt nạt, võ sư Thắng không thể ngồi yên, cũng muốn đứng ra can thiệp.

Lúc này, Khánh Trắng cũng tưởng có một "đầu gấu", hay một ông trùm bảo kê ở đâu xuất hiện, muốn đối đầu với mình, nên cũng rất muốn chạm mặt. Khánh Trắng hẹn ông tại một cửa hàng kim quy, ngay trên khu vực "lãnh địa" của mình.

Biết phải vào hang cọp với nhiều hiểm nguy, cạm bẫy rình rập, nhưng võ sư Nguyễn Văn Thắng vẫn tìm đến.

Tới nơi, khi vừa bước vào nhà đã thấy hai đàn em của Khánh Trắng đứng đợi sẵn ở cầu thang. Nhưng ông vẫn bước lên… Tới khi bước vào gian phòng ở tầng trên, Khánh Trắng cùng một số đàn em khác đã đợi sẵn.

Nhưng thật bất ngờ, bởi sau khi Khánh Trắng và vị khách nói chuyện một hồi, nhận thấy đây chính là người được giới võ gọi là "Thắng công tử".

Người đứng đầu Thăng Long võ đạo, lại dám đơn thương độc mã đến đây, biết ông không phải dạng tầm thường nên Khánh Trắng đã chủ động xin giảng hòa.

Ngoài Khánh Trắng, võ sư Nguyễn Văn Thắng cũng từng khá nhiều lần phải bất đắc dĩ đối mặt với những nhân vật "số má" khác như Phúc Phật, Hùng Cửu vạn… nhưng lần nào ông cũng khiến đối thủ phải kính nể.

Trong quá khứ, dù nhiều lần khiến giới giang hồ phải ái ngại tuy nhiên với võ sư Nguyễn Văn Thắng, ông cũng chẳng lấy làm mặn mà với chuyện tranh giành hơn thua.

Với ông, điều thoải mái nhất là được truyền dạy võ thuật, được luyện khí, được ngồi thiền, ngày ngày chăm sóc, làm bạn với những chú chim cảnh và vườn phong lan giữa một khoảng trời nhỏ của mình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh