CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:16

Chiêng ché “chảy máu” vì quan niệm kỳ quái

 

Những quan niệm lạ lùng

Có lẽ một phần nhờ tín ngưỡng tâm linh nên những thợ săn đồ cổ luôn cho rằng có được một cái chiêng cổ từ chính những già làng ở Tây Nguyên thì đắt mấy cũng mua.

Trong vai người tìm mua chiêng, tôi tiếp cận một đại gia xưng tên Trần Bình. Ông ta cho rằng: “Chiêng cổ ở Tây Nguyên lạ nhất Việt Nam. Cách đây 8 năm trong lần tình cờ đến thăm Tây Nguyên tôi đã phát hiện ra những đặc điểm kỳ lạ của những chiếc chiêng hàng trăm năm tuổi ở đây như liên tục toát ra mồ hôi, một biểu hiện rõ ràng của đồng đen.

Hơn nữa, trong lúc thời tiết nóng nực, sờ tay vào chiêng có cảm giác mát lạnh như chạm tay vào một phiến đá cổ ngâm sâu dưới nước. Những chiếc chiêng không phải ở Tây Nguyên không có những biểu hiện này.Khi đặt trong gian chính giữa của biệt thự sẽ có tác dụng xua đuổi mọi tà khí, hài hòa âm dương, làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào.

 Hơn nữa, những chiếc chiêng cổ ở Tây Nguyên thường rất linh nghiệm. Sau chuyến đi đó, về nhà tôi chuẩn bị tiền với khát vọng sẽ đi săn được dăm chiếc chiêng cổ. Nhưng tiếc thay lần đó chỉ mua được một cái ở Kon Tum”. 

Cách thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) chừng 10km, một tốp người cũng đang nhốn nháo bàn luận về những chiếc chiêng cổ của đội chiêng nữ Buôn Trấp. Hùng, một đại gia buôn chiêng cổ tiếc rẻ nói: “Mấy năm trước nếu kiên trì tôi đã thuyết phục và mua được nhiều lắm rồi.

Tiếng chiêng cổ rất lạ lùng, trầm và ngân rất lâu, cho người ta cảm giác rất yên bình. Đặc biệt, khi tiếng chiêng ngân cao tôi còn có cảm giác như có sự văng vẳng của lời đại ngàn.

Hôm đó về nhà tôi miên man nhớ rất rõ trong tiếng chiêng có câu như vọng về từ sâu thẳm rừng già như “đừng phạm điều ác, đừng tàn phá rừng...”. Kể chuyện này ra nhiều người không tin nhưng đó rõ ràng là cảm giác thật của tôi. Bây giờ thèm sở hữu những chiếc chiêng này”.

Đặc biệt, những chiếc chiêng cổ ở Buôn Trấp lại chỉ được bàn tay những người phụ nữ chính gốc Tây Nguyên biểu diễn nên càng khiến nhiều người muốn săn lùng hơn. Trước năm 1945, sống dọc theo sông Krông Ana, có khoảng 10.000 người Êđê Bih.

Với người Êđê Bih, đánh chiêng trong các lễ hội nhất định phải là phụ nữ vì người Êđê theo chế độ mẫu hệ. Theo tiến sỹ văn hóa dân gian Nguyễn Huy Thái, hồi đó, dọc sông Krông Ana có tổng cộng 12 đội chiêng nữ, trải qua sự mai một của thời gian nay chỉ còn lại một đội duy nhất là đội chiêng nữ Buôn Trấp.

Tên gọi Buôn Trấp có nguồn gốc là buôn T'rấp, theo tiếng dân tộc Êđê, T'rấp có nghĩa là thung lũng, đầm lầy. Theo già làng Y Khăm, chơi chiêng Jhô (chiêng gia đình) cho hay thì phải yêu và tập nó từ nhỏ, phải đam mê thật sự nếu không tiếng chiêng sẽ không chuẩn và vang xa.

 Đa số phụ nữ ở Buôn Trấp đều được tập đánh chiêng từ lúc lên 5, lên 6 tuổi. Chiêng dành cho nữ thường nhỏ và nhẹ hơn so với chiêng cho nam. Chiêng Jhô muốn ngân vang da diết, hùng hồn, tải được cái hơi thở của núi rừng thì phải có đủ cả gia đình chiêng (nghĩa là có đủ ba cặp chiêng gồm; cặp chiêng bố, cặp chiêng mẹ và cặp chiêng con).

Năm 1993, gia đình chiêng hầu như tan rã, vì chiêng mẹ có giá trị nhất nên người ta đem bán gần hết. Đến năm 1995, còn lại hai bộ chiêng kiểu gia đình, các già làng kiên quyết giữ lại cho các phụ nữ trong buôn luyện tập.

Thường khi chơi chiêng Jhô, ba cặp chiêng tạo nên ba loại hợp âm khác nhau: hợp âm Ama (bố) trầm đục, Hợp âm Ama (mẹ) réo dắt, hợp âm Mdú (con) da diết. Khi những tiếng chiêng vang lên, cũng là tiếng lòng người nói với đất trời, tổ tiên và gia đình, là sự giãi bày những cảm xúc sâu kín nhất, thân thiết nhất.

Chiêng, ché cổ Tây Nguyên đang dần theo các lái buôn. 

Chiêng ché đang “chảy máu”

Nếu không còn chiêng ché nữa thì xem như linh hồn của đại ngàn Tây Nguyên cũng mất. Thế nhưng sự đô thị hóa và những cuộc săn lùng ráo riết của giới buôn đồ cổ hiện nay, khiến cho chiêng ché ở đây “chảy máu” ở mức báo động.

Làm sao mà không “chảy máu” được khi mà giới săn lùng cổ vật sẵn sàng chồng cả mấy cây vàng, chồng cả những chiếc xe máy đắt tiền chỉ để đổi lấy một chiếc ché.

Già làng Y Nhút ở Chư Prông, Gia Lai, nơi từng có hàng trăm chiếc ché quý buồn bã nói: “10 năm trước thì nhiều lắm, nhưng giờ thì còn mấy cái thôi, theo lái buôn hết rồi còn đâu.

Biết là nét văn hóa đó, sự linh thiêng đó nhưng khi cái bụng đói, khi không được hướng dẫn cách bảo tồn thì làm sao mà giữ được. Cứ đà này chẳng biết mấy năm nữa có còn cái ché cổ nào ở Tây Nguyên nữa không”.

Rời khỏi Chư Prông, tiến về đường rẽ vào làng Ghè (nơi từng nổi danh với nhiều nghệ nhân kể Khan) chúng tôi bắt gặp rất nhiều chiếc xe đang tấp nập tiến vào các buôn làng để săn ché cổ. Trần Văn Chung, một thợ săn ché cổ cho hay: “Một chiếc ché cổ ở Tây Nguyên để càng lâu càng bóng, màu càng sắc đậm chứ không phai.

Nếu tính lợi nhuận buôn bán, một ché cổ ở Tây Nguyên mang về Sài Gòn bán lời được cả triệu đồng. Đối với chiêng thì có thể gấp đôi vì những yếu tố kỳ bí quanh chiếc chiêng nhiều hơn. Với lại các loại chiêng cổ Tây Nguyên đều được làm bằng một loại đồng đặc biệt mà đến nay còn lại rất ít, thậm chí hiếm hoi”.

Dẫu nghèo nhưng cụ Y Gếu vẫn kiên quyết giữ chiêng quý. 

Khước từ tiền bạc, sống đạm bạc để giữ hồn Tây Nguyên

Sự cuốn hút của những cuộc săn chiêng ché mãnh liệt là thế nhưng ở đại ngàn Tây Nguyên vẫn có những “dị nhân” hiếm hoi dẫu trong nghèo nàn vẫn kiên quyết giữ chiêng quý. Tiêu biểu như cụ Y Gếu, ở xã K’roong, (Kon Tum). Ông A Chưn, cán bộ xã tự hào cho biết: “Tui đi nhiều nơi, dự nhiều lễ hội nhưng chưa thấy bộ cồng chiêng cổ nào mà lớn đẹp và tiếng ngân hay, dài như tiếng cồng chiêng của cụ Y Gếu. Bà hiện là người duy nhất ở Kon Tum còn lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng cổ nhất ở Tây Nguyên này”.

Đã bước qua 80 mùa rẫy, không nhớ nỗi bàn chân đã đi bao bao nhiêu bản làng để sưu tầm các loại chiêng quý, cụ Y Gếu giãi bày: “Có người hỏi mua, mình không bán đâu. Nếu bán là có tội lớn với Yàng và ông bà tổ tiên, khi già chết sẽ để lại chúng cho con cháu của mình tiếp tục lưu giữ”.

Cụ Y Gếu còn nhớ, năm cụ 25 tuổi, vì buôn làng có nhiều xáo trộn phải chuyển đến nơi ở mới, thất lạc mất một bộ chiêng, cụ đã tiếc ngẩn ngơ và rong ruổi đi tìm suốt cả tháng ròng. Hiện, ngoài các bộ chiêng nhỏ, thì cụ Y Gếu còn sở hữu bốn bộ chiêng cổ, có đường kính mặt chiêng gần 1m.

Để xem bốn bộ cồng chiêng cổ mà cụ Y Gếu đang lưu giữ, chúng tôi được trưởng thôn A Chưn dẫn đến thuyết phục, cụ đồng ý nhưng ánh mắt của cụ đầy cảnh giác. Sợ chúng tôi hiểu lầm, ông A Chưn kịp trấn an: “Bà sợ mất cắp đó, bữa trước một số gia đình đã bị bọn trộm lấy mất cồng chiêng, nên bây giờ thấy người lạ đến cụ sợ lắm”.

Gia đình cụ Y Gếu thuộc diện giàu có nhất làng, hễ có nhiều của cải vật chất đều dành mua cồng chiêng. Cụ Y Gếu kể: “Bộ cồng chiêng lớn nhất mà cụ đang sở hữu là bộ chiêng cổ 12 chiếc, có nguồn gốc từ nước bạn Lào. Khi còn nhỏ, bà đã thấy bộ cồng chiêng này ngự trị trong nhà.

Để có được nó, gia đình bà đã phải đem đổi 30 con bò mộng, bộ nhỏ cũng đã phải đổi tới cả chục con bò chứ có ít gì đâu. Năm 2012, có một lái buôn ở Sài Gòn lên nài nì bà đổi một bộ chiêng cổ lấy 100 con bò nhưng bà nhất quyết không đổi”.

Già làng A chưa cho biết thêm: “Mới dịp Tết 2013 đây thôi, cũng có người hỏi mua và đòi trả rất nhiều tiền nhưng bà cụ không đồng ý, bởi nếu bán mất thì các thế hệ con cháu mai sau biết được sẽ rất oán giận! Không chỉ bà cụ, mà người Rơ Ngao coi nó như báu vật của làng”.

Người dân trong buôn làng ai cũng biết cụ Y Gếu là người có nhiều trâu bò nhất. Năm 2009, cụ có đàn bò tổng cộng 40 con, kêu 10 người con cháu lại và nói: “Toàn bộ đàn bò này sẽ chia đều, mỗi đứa bốn con để lấy vốn làm ăn và tuyệt đối không được ai có ý nghĩ rằng sẽ bán những bộ chiêng quý giá này”. 

Người Rơ Ngao, Ba Nar ngoài ngày lễ, Tết, hằng năm mỗi đợt vào vụ gieo trồng đều tổ chức lễ tra hạt, đến mùa lúa chín lại làm lễ mừng cơm mới, các dịp này đều có diễn tấu cồng chiêng.

Ngoài ra, mỗi khi tìm được mạch nước mới có thể dùng cho sinh hoạt của dân làng hoặc cải tạo ống dẫn nguồn nước của làng đều tổ chức lễ “mừng giọt nước”, cũng có đánh cồng chiêng. Ông A Lau, hàng xóm và bà Y Gếu cứ xuýt xoa không tiếc lời khen: “Ui chà, khi buôn làng có lễ hội thì tiếng chiêng của Y Gếu này bay cao, bay xa lắm, tiếng ngân dài như con sông Sê San trước cửa nhà kia kìa.

Không chỉ người trong làng nghe đâu, mãi tận làng Khúc Na, Kà Đừ... tận bên xã Sa Bình đều nghe hết”.

Hà Văn Đạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh