Chiến tranh qua góc nhìn người trẻ
- Văn hóa - Giải trí
- 06:40 - 01/05/2023
Chiến tranh: Không chỉ là bom đạn, chết chóc…
Văn đàn Việt Nam từng chứng kiến sự trở lại một cách ấn tượng của đề tài chiến tranh và người lính với hàng loạt tác phẩm như tiểu thuyết “Đối chiến và Đỉnh cao hoang vắng” của Khuất Quang Thụy, “Mưa đỏ” của Chu Lai, “Lính trận” của Trung Trung Đỉnh; “Thoạt kỳ thủy, Kể xong rồi đi” của Nguyễn Bình Phương, “Con chim joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy… Những tác phẩm này, với mức độ đậm nhạt khác nhau, đã khai thác những tầng vỉa mới mẻ, bổ sung và nới giãn đường biên của đề tài chiến tranh và người lính trong văn học Việt Nam đương đại.
Theo nhà phê bình văn học Văn Giá, văn học chiến tranh đã trải qua nhiều giai đoạn. Nói nôm na, đó là giai đoạn "ta thắng địch thua"; giai đoạn "chiến tranh như là chiến tranh", tức là được văn học mô tả với đầy đủ sự khốc liệt, có chiến thắng và có mất mát, hy sinh. Và tiếp đó, giai đoạn văn học viết về chiến tranh đi sâu vào khía cạnh nhân bản, quan tâm đến số phận con người, ở đó hiện ra những nỗi ám ảnh, những day dứt, đớn đau.
Có thể thấy, thành công của những tác phẩm văn học đề tài chiến tranh và người lính một phần cũng bởi nhiều trong số đó là các nhà văn đã kinh qua cuộc chiến, họ đã sống, chiến đấu, cống hiến một phần tuổi xuân cho cuộc chiến. Trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa đã giúp họ có được cả bề rộng và chiều sâu của vốn sống. Họ viết về chiến tranh trước hết như là cách trả “món nợ tinh thần” cho những đồng đội, những người đã anh dũng hy sinh vì lý tưởng chung. Và sau hết là rút ra những bài học đạo lý cho những người đang sống.
Tuy nhiên, gần đây rất nhiều những nhà văn trẻ, sinh ra và lớn lên sau thời điểm thống nhất đất nước, những nhà văn thuộc thế hệ 7x, 8x, thậm chí 9x vẫn tiếp tục thử sức với mảng đề tài này. Theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, văn học chiến tranh đã có khoảng 1 thập niên bị đứt gãy (1995 - 2005) và trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây. Trong số những cây bút đương đại viết về chiến tranh, không thể không nhắc đến sự xuất hiện của nhiều nhà văn thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x với những tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết được chú ý như: Nguyễn Đình Tú (Xác phàm), Phong Điệp (Chuyến đêm), Đoàn Dũng (Âm thanh của ký ức), Hồ Kiên Giang (Trên núi Tưk - cot), Trịnh Sơn (Sóng gió Ô Cấp, Những bóng người trên đất), Nguyễn Thị Kim Hòa (Đỉnh khói, Giấc mơ đá vỡ), Nguyệt Chu (Gió tháng chạp), Đinh Phương (Đợi đến lượt), Huỳnh Trọng Khang (Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ)…
Chiến tranh trong cái nhìn của người trẻ hôm nay không chỉ là bom đạn, chết chóc… mà dường như bởi những lợi thế thuộc về thời đại, họ nhìn thấy những hiện thực khác của chiến tranh vốn ít được nói tới trong văn chương thời chiến. Cái nhìn đa chiều gắn với bối cảnh đổi mới, rộng mở của không gian đương đại chính là cơ sở của đề tài chiến tranh trong sáng tác của các nhà văn trẻ. Họ được ủng hộ từ cái nhìn rộng mở của thời hậu chiến… Không giống như lớp nhà văn cha chú trải nghiệm trực tiếp, các nhà văn trẻ nhìn chiến tranh gián tiếp thông qua tư liệu, chuyện kể… Bởi thế, bên cạnh cái khốc liệt, nhà văn trẻ viết về chiến tranh tăng thêm những suy tư, xúc cảm, những khía cạnh khuất lấp, những diễn biến sau cuộc chiến nhưng bắt nguồn từ cuộc chiến. Dễ nhận ra trong sáng tác của họ những số phận bi kịch mà nguyên nhân khởi phát từ chiến tranh. Cái nhìn gián tiếp, có độ lùi về thời gian đã giúp các nhà văn trẻ thoát ra khỏi “từ trường” của văn học sử thi. Chiến tranh không phải là trung tâm hoặc duy nhất trong câu chuyện của họ. Chiến tranh có thể là một gợi dẫn, một nguyên cớ, một ký ức để những câu chuyện khác, những liên quan khác được trình hiện. Sự giãn cách về thời gian là một cơ hội để chiến tranh được nhìn khác hơn, kỹ hơn, đầy đủ hơn…
“Đề tài chiến tranh sẽ còn tồn hiện, can dự rất lâu vào bức tranh đời sống văn học Việt Nam. Những tác phẩm thành công viết về đề tài chiến tranh của những cây bút thế hệ 7x, 8x, 9x củng cố trong người đọc niềm tin, rằng thế hệ nhà văn không trực tiếp can dự vào chiến tranh vẫn hoàn toàn có thể viết thuyết phục về nó theo cách của mình”, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhấn mạnh.
Những khuất lấp, bi kịch thời hậu chiến
“Chiến tranh là một đề tài lớn, bởi vậy, đề tài này đã, đang sẽ vẫn tiếp tục thu hút nhiều thế hệ người viết. Có hai kiểu, những người đi qua chiến tranh thường viết về sự trải nghiệm thực tế của cuộc đời họ, những người chưa từng đi qua cuộc chiến nào sẽ viết từ những sự nghe, đọc, tìm hiểu, nghiên cứu”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói. Ông cho rằng, với những người viết trẻ, do có độ lùi của lịch sử nên họ dễ có cách nhìn bình tĩnh và khách quan hơn về chiến tranh. “Khách quan ở đây là sẽ nhìn được rõ những khốc liệt, dữ dội, được - mất, bên này - bên kia của chiến tranh”.
Theo ông Phạm Xuân Nguyên, hầu hết các nhà văn trẻ dựng lên không gian hư cấu, nhân vật hư cấu, nhưng cũng để trả lời cho câu hỏi lý giải cuộc chiến có thật vừa qua, đồng thời đặt ra vấn đề con người trong cuộc chiến ấy. “Nhiều người đã đi qua chiến tranh thường lựa chọn viết dưới dạng tự truyện, hồi ký, còn tác giả chưa từng đi qua cuộc chiến thường chọn viết về chiến tranh nhưng không chỉ là chiến tranh mà viết về thân phận con người trong chiến tranh. Đây là hướng viết của nhiều nhà văn trẻ trong nước và cũng là hướng viết của văn chương trên thế giới hiện nay”, ông Nguyên nhìn nhận.
Còn theo nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, cái nhìn nhiều chiều gắn với bối cảnh đổi mới, rộng mở của không gian đương đại chính là cơ sở của đề tài chiến tranh trong sáng tác của các nhà văn trẻ. Ở điểm nhìn hậu chiến, chủ thể sáng tạo, tiếp nhận có nhiều cơ hội tạo nên khác biệt. Nơi những vết thương đã thành sẹo, nỗi đau chỉ còn trong ký ức. Nơi những người từ cuộc chiến trở về đang sống, những cuộc đời ly tán tha hương, những mối tình, ám ảnh, mâu thuẫn và hòa giải... chiến tranh được hình dung và tái tạo. Bởi thế, không giống như lớp nhà văn cha chú với những trải nghiệm trực tiếp, các nhà văn trẻ nhìn chiến tranh qua tư liệu, chuyện kể. Bởi thế, bên cạnh cái khốc liệt, văn trẻ viết về đề tài chiến tranh tăng thêm những suy tư, xúc cảm, những khía cạnh khuất lấp, những diễn biến sau cuộc chiến nhưng bắt nguồn từ cuộc chiến. Rõ nhất là những bi kịch hậu chiến.
Theo nhìn nhận của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, số lượng nhà văn trẻ viết về chiến tranh chưa nhiều. Không chỉ ít về số lượng, mà cũng chưa nhiều cây viết trẻ có thể kiến tạo được con đường đi riêng. Họ còn bị ảnh hưởng bởi các “tượng đài” văn học thời chiến trước đó. “Các nhà văn trẻ cần nỗ lực để thoát ra khỏi những cái bóng “tượng đài” cũng như thoát khỏi ám ảnh của những tác phẩm đã đóng đinh vào lịch sử văn học thời chiến. Muốn như vậy, họ phải vượt qua chính mình”, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhìn nhận.