Chiến thắng lịch sử ngày 30/4 qua những trang viết của “người trong cuộc”
- Văn hóa - Giải trí
- 09:18 - 01/05/2022
Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng
"Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng" là cuốn sách hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành. Cuốn sách được khởi thảo và chuẩn bị trong nhiều năm với sự cộng tác nhiệt tâm của một số cán bộ quân sự từng công tác tại Bộ Quốc phòng. Với 10 chương sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành 9 chương viết về các sự kiện lịch sử lớn và chương cuối cùng, trình bày những điều tâm huyết, đúc kết cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.
Trong "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", ông hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ thống soái tối cao - từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Trí tuệ của một tập thể tài năng thuộc lớp cận vệ đầu tiên chói sáng ở thời điểm lịch sử quyết định dẫn dắt dân tộc ta đi đến đích vinh quang. Với bản tính điềm đạm và đôn hậu vốn có, ông viết về các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan từ Tổng hành dinh đến những nhà lãnh đạo các chiến trường - những người đồng chí, đồng đội - một cách thân thiết, chân thành, hết sức trân trọng.
Mặc dù viết về mùa Xuân toàn thắng - mùa Xuân 1975 lịch sử, nhưng đây cuốn sách đã đưa người đọc trở lại những sự kiện từ tháng 12-1972. Đó là vì muốn thương lượng và kết thúc chiến tranh trên thế mạnh, Mỹ đã tráo trở, dùng máy bay chiến lược B52 mở chiến dịch tập kích vào Hà Nội và Hải Phòng như một canh bạc cuối cùng, hòng khuất phục dân tộc ta. Cảnh giác cao độ, được sự chỉ đạo nhạy bén, sáng suốt của Bộ thống soái tối cao, sự chiến đấu kiên cường với bản lĩnh, trí tuệ và khí phách Việt Nam, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược này, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân chiến đấu, kể cả quân của các nước phụ thuộc về nước. Mỹ đã cút, ngụy ắt phải nhào.
Sau Hiệp định Pari, hai khả năng để thống nhất đất nước có thể diễn ra. Khả năng thứ nhất, địch tôn trọng Hiệp định, thành lập được chính phủ ba thành phần ở miền Nam Việt Nam, chúng ta sẽ thống nhất Tổ quốc trong hòa bình; thứ hai, nếu địch gây chiến, xé bỏ Hiệp định thì ta phải dùng bạo lực cách mạng để quét sạch chúng, thu giang sơn về một mối. Thực tế chiến trường chỉ diễn ra khả năng thứ hai. Từ đây những ý đồ chiến lược của Bộ thống soái tối cao và ở chiến trường được đề xuất, trở thành những quyết sách chiến lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Sự ra đời của Nghị quyết 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương cùng các mệnh lệnh, chỉ thị từ Bộ thống soái tối cao đã chỉ đạo chiến trường xốc tới, nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…
Những dòng hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho chúng ta thấy rõ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quét sạch quân thù.
Đại thắng mùa xuân
“Đại thắng mùa xuân" - cuốn sách của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã phác thảo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đây là cuốn sách hay mang giá trị lịch sử và quân sự sâu sắc bởi nhiều cứ liệu lịch sử chính xác, do chính Đại tướng Văn Tiến cung cấp. Ông chia sẻ: “Cuốn sách nhằm giới thiệu với bạn đọc những vấn đề thuộc về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự đấu lực và đấu trí rất thông minh của Đảng, nhân dân ta, quân đội ta trong phạm vi chiến lược và chiến dịch để dẫn đến toàn thắng”.
Tác phẩm tái hiện lại sinh động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975. Trận đánh trải qua ba chiến dịch nổi tiếng là chiến dịch giải phóng Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh với năm cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh là cuộc quyết đấu chiến lược cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Đây là trận đánh ngắn nhưng thể hiện được nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Bộ chỉ huy và có ý nghĩa nhất trong cuộc kháng chiến kiến quốc, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam.
Khác hẳn với những cuốn sách thuật lại diễn biến trận đánh đơn điệu, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã dùng lối tường thuật đi sâu vào chi tiết trận đánh kết hợp với diễn tả tâm lý và tinh thần của bộ đội ta trong các chiến dịch, đem lại sự hứng thú cho người đọc. Bên cạnh đó, tác phẩm còn đề cao giá trị “tình người” trong chiến tranh. Đó là tình đồng bào, đồng đội, tình cảm hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam và ngược lại.
Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập
Đúng ngày 30-4 cách nay 45 năm, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, đánh dấu mốc kết thúc chiến tranh tại Sài Gòn.
Hình ảnh chiếc xe tăng húc cổng dinh Độc Lập đã trở thành biểu tượng về một động tác cuối cùng kết thúc cuộc chiến. Vinh quang tiến chiếm cứ điểm cuối cùng quan trọng nhất của cuộc chiến thuộc về binh chủng tăng thiết giáp.
Lá cờ quân giải phóng do đại đội trưởng đại đội 4 lữ đoàn 203 Bùi Quang Thận cắm trên nóc dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 trở thành hình ảnh chiến thắng đầu tiên đầy ấn tượng.
Nhưng để đến được “giữa Sài Gòn”, tiến chiếm cơ quan đầu não cuối cùng của đối phương, những người lính xe tăng quân giải phóng đã có một hành trình bắt đầu tận ga tàu hỏa ở Vĩnh Yên từ cuối năm 1971, vào đến Vinh, rồi hành quân qua Quảng Bình, Quảng Trị, tham chiến ở chiến trường Thừa Thiên - Huế, vào giải phóng Đà Nẵng, tiếp tục vào Nam…
Hành trình dọc theo cuộc chiến khốc liệt bi hùng của một đại đội xe tăng là những câu chuyện dài đã được đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 đại đội 4 lữ đoàn 203 đã kể lại trong cuốn "Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập". Đó là hành trình ấy trải dài hàng nghìn cây số, hàng nghìn ngày có lẻ, bao mất mát, hy sinh, vinh quang, cay đắng... của những người lính tăng thiết giáp. Cuốn sách là một tư liệu quý giá về nghệ thuật chiến tranh của phía quân giải phóng, nhìn từ một đơn vị miền Bắc vào tham chiến và đánh thẳng đến dinh Độc Lập - giành chiến thắng cuối cùng
"Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập" được tác giả viết như nén tâm nhang thắp cho đồng đội đã khuất, là món quà cho đồng đội đã rời quân ngũ, ngày đêm bươn chải đời thường. Người đọc không chỉ hiểu hơn những khó khăn, gian khổ của những người lính mà còn thấu hiểu những nghĩ suy, tâm sự, tính cách của từng người lính, từng đơn vị… bộc lộ theo từng trận đánh, từng nhiệm vụ được giao. Bạn đọc có thể tìm thấy trong sách này lời nhắn gửi của đại đội trưởng Bùi Quang Thận nói với anh em khi tự ý nhảy ra khỏi xe tăng 843 với mong muốn sẽ cắm cờ lên nóc dinh: “Nếu một lúc nữa không thấy tớ xuống thì coi như tớ đã hi sinh, còn bao nhiêu đạn các cậu cứ nã hết vào dinh”. Lúc ấy, chính trị viên Vũ Đăng Toàn ngồi trong xe 390 nghĩ rằng: “Nguy hiểm quá, đã biết lực lượng đối phương trong dinh như thế nào mà anh ấy lại xuống xe thế kia”, rồi nhắc lái xe Nguyễn Văn Tập: “Giảm tốc độ! Chạy từ từ thôi!”.
Cũng may là chiến tranh đã kết thúc, các chiến sĩ xe tăng đã không phải nã hết số đạn còn lại vào dinh…