Chiến thắng 30/4 với tôi như một giấc mơ
- Văn hóa - Giải trí
- 21:51 - 28/04/2015
* Đã 40 năm kể từ đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, xin Chủ tịch chia sẻ cảm xúc của mình về chiến thắng vĩ đại này của dân tộc?
Cảm nghĩ về ngày 30/4/1975 chắc chắn là cảm nghĩ cụ thể của những người cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. Đối với tôi, đó là một ngày hết sức đặc biệt và như là một giấc mơ. Tôi sinh ra ở miền Nam, nhưng không có khái niệm là quê, bởi tôi được đồng bào miền Bắc nuôi nấng, trưởng thành. Năm 1954, lúc đó tôi mới 1 tuổi, tập kết ra Bắc cùng cha mẹ. Đến năm 1964 cha mẹ tôi trở lại miền Nam để chống Mỹ và từ đó cho đến ngày chiến thắng tôi hầu như không biết tin tức gì về cha mẹ mình, không biết cha mẹ còn sống hay không? Do đó, khi nghe tin chiến thắng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, thực sự chúng tôi muốn òa khóc vì có thể biết được tin tức của cha mẹ, của gia đình mình. Tôi có thể biết mặt ông bà của mình. Vui sướng nhất là thế hệ chúng tôi chắc không phải đánh nhau nữa rồi, mặc dù lúc này tôi cũng đang là người lính (nhập ngũ năm 1970).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Ngày 30/4/1975 đối với tôi là ngày mong chờ ngoài mong đợi, đúng như là một giấc mơ. Niềm vui đó sẽ trọn vẹn hơn nếu như ngày chiến thắng đó có Bác Hồ, người có công lao vô cùng to lớn với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
* Với tư cách là người đứng đầu Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975 trong bối cảnh hiện nay?
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của những người 95% không biết chữ và cũng chắc là hơn 95% đi đất đánh lại một đế quốc lúc đó rất hiện đại vào bậc nhất thế giới. Nhưng tại sao ta lại chiến thắng? Đó là sự kết hợp tài tình trí tuệ thời đại là Chủ nghĩa Mác – Lênin và sức mạnh dân tộc của Đảng ta. Đó là sức mạnh đoàn kết. Bác Hồ có dạy : « Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân làm nên cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết mà Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất ». Do đó, dù đất nước ta lúc đó rất nghèo khổ, khó khăn, nhưng cả dân tộc kết thành một khối đại đoàn kết thì sức mạnh lớn hơn rất nhiều.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao quà cho nạn nhân chất độc da cam.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ bằng sức lực của riêng mình thì không thể đánh thắng được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta đã kết hợp được sức mạnh nội lực với sự giúp đỡ của các nước phát triên, đặc biệt là các nước Đông Âu và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới để tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Bài học là, nếu một dân tộc có một đường lối đúng, có con đường chính nghĩa tận dụng sức mạnh thời đại, thì có thể chiến thắng được kẻ thù rất lớn.
Trong giai đoạn chiến tranh, sức mạnh thời đại là sự đồng thuận, mục tiêu là giành lại hòa bình, độc lập đất nước. Họ có tiềm lực về khoa học kỹ thuật và giúp mình, đó là sự đồng tình. Còn bây giờ, sức mạnh thời đại phải nói là khả năng đồng thuận với các quốc gia. Mỗi quốc gia đều phải lo lợi ích của chính mình, lo độc lập, chủ quyền, lo hạnh phúc của người dân, nhưng không được xâm phạm lợi ích, quyền của người khác. Nếu làm được như vậy thì chúng ta có thể kết hợp được với nhau về mặt chính trị, tư tưởng.
Trong thời đại kinh tế, khả năng hội nhập trong quá trình toàn cầu hóa, thị trường mở rộng, chúng ta nếu ký xong các hiệp định thương mại với các nước EU, với Nga, hiệp định xuyên thái bình dương thì chúng ta có thể tiếp cận với một thị trường thế giới hơn 50% GDP của nhân loại – vô cùng lớn và với mức thuế rất thấp, thậm chí bằng 0%. Nó tạo ra một động lực hết sức quan trọng nếu tận dụng thời cơ của toàn cầu hóa về thị trường, công nghệ, vốn, nhân lực cũng như gắn kết khu vực. Đây là thời cơ rất đặc biệt, mở ra cơ hội cho một nước dù xuất phát có thể thấp hơn nhiều nước khác vẫn có thể vươn lên nhanh được.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao bò cho hộ nghèo huyện Càng Long, Trà Vinh.
* Còn những đóng góp của Mặt trận giải phóng miền Nam trong chiến thắng 30/4/1975, đặc biệt là giai đoạn 1954-1975, thưa Chủ tịch ?
Lúc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (năm 1960) thì tôi vẫn còn nhỏ tuổi, nhưng tìm hiểu lịch sử thì biết rằng, Hiệp định Giơ ne vơ ký có quy định đến tháng 7/1956 sẽ tổng tuyển cử nên ba má tôi khi đi tập kết ra bắc, như bao cán bộ khác và toàn thể đồng bào, ai cũng đưa hai ngón tay với niềm tin chắc chắn rằng hai năm sau sẽ quay về. Và lúc đó, chúng ta cũng trong một trạng thái là mong chờ sẽ có tổng tuyển cử, nhưng điều đó không xảy ra. Vậy mình làm thế nào để thống nhất đất nước ? Có thống nhất được không ? Đấy là câu hỏi rất lớn.
Một tháng sau khi hết thời hạn hiệp định Giơ ne vơ (tháng 8/1956), đồng chí Lê Duẩn được Đảng phân công trở lại miền Nam, có viết đề cương cách mạng miền Nam, xác định con đường cách mạng miền Nam là đấu tranh hòa bình nhưng phải tiến tới thống nhất đất nước, giành lại độc lập dân tộc, đánh đuổi xâm lược của Mỹ và lất đổ chế độ của Ngô Đình Diệm. Trong quá trình đó, một con đường căn bản là phải phát triển một Mặt trận dân tộc thống nhất, trong đó yêu cầu phải xây dựng khối liên minh công nông, khơi dậy lòng yêu nước các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức lôi cuốn họ tham gia phong trào dân tộc dân chủ, bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị, phát triển phong trào đấu tranh các tầng lớp công thương, tăng cường đoàn kết với tôn giáo. Đi sâu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc anh em trong Mặt trận dân tộc thống nhất
Nhưng đó là định hướng do một đồng chí lãnh đạo của Đảng viết (8/1956), còn biến nó thành hiện thực thì phải có một tổ chức – Một tổ chức làm nhiệm vụ liên minh công nông, tập hợp hết các giới, khơi dậy phong trào của các tầng lớp ở đô thị, nông thôn, đó là Mặt trận dân tộc giải phóng – Đây chính là hiện thực hóa đường lối cách mạng của Đảng.
Do đó, sự ra đời của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả của một đường lối cách mạng đúng đắn. Bằng những phương thức hoạt động phong phú, hình thức hoạt động linh hoạt, sáng tạo qua từng thời kỳ, Mặt trận dân tộc thống nhất đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Phát huy tinh thần chiến thắng 30/4 trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội hướng về thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng gì, thưa Chủ tịch?
Năm 2014, MTTQ Việt Nam tổ chức đại hội đại biểu lần thứ 8, trong đó xác định 5 chương trình hoạt động. Bên cạnh họat động rất căn bản truyền thống, vẫn phải làm tốt hơn là vận động để nhân dân hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, có đồng thuận, từ đó phát huy sáng kiến để thực hiện, thì trong công tác truyền thông, Mặt trận nhấn mạnh việc phản ánh tiếng nói của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp. Phương châm là nói cho nhân dân nghe về đường lối của Đảng, tình hình của đất nước, nhưng nghe nhân dân nói và chuyển những tiếng nói nhân dân tới chính quyền các cấp.
Trước thách thức của quốc tế và trong nước muốn tăng tốc sự phát triên bền vững có hiệu quả cao hơn, thì phát huy sáng kiến của nhân dân, tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua để người dân phát huy sáng kiến góp phần xây dựng đất nước, làm cuộc sống người dân tốt hơn.
Một nhiệm vụ quan trọng mang tính đặc thù, đó là phát huy dân chủ. Mặt trận và các tổ chức chính trị làm nòng cốt làm vai trò giám sát và phản biện xã hội với sự phát triển của đất nước theo yêu cầu của Hiến pháp 2013.
* Trân trọng cảm ơn Chủ tịch !