THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:39

“Chiếc phao cứu sinh” của nhiều hộ gia đình nghèo

Sớm được tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ tín dụng CSXH, gia đình anh Triệu Tòn Dất và nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình đầu tư phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Dất cho biết: Từ 100 triệu đồng vốn vay ban đầu, gia đình tôi đầu tư cải tạo chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm; mua con giống, trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn vật nuôi; quan tâm phòng trừ dịch bệnh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện gia đình đang nuôi 12 con bò sinh sản, 15 con lợn thịt... Ngoài ra, gia đình tôi  vay 40 triệu đồng vốn tín dụng chính sách theo Nghị định số 28 của Chính phủ để làm nhà ở. Từ khi có nhà ở ổn định, chăn nuôi thuận lợi, không lo đầu ra cho sản phẩm, tôi có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ và mua sắm nhiều vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt gia đình.  

Cùng với gia đình anh Triệu Tòn Dất, năm 2020, hộ bà Hoàng Mùi Coi, xóm Cảm Tẹm, xã Hoa Thám vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để mua thêm đất trồng lúa, ngô và đầu tư cải tạo đất đồi bạc màu trồng quế. Sau hơn 2 năm trồng, hiện cây quế đang phát triển tốt, trung bình cây cao khoảng 2 - 3 m. Bà Coi chia sẻ: Cây quế có giá trị kinh tế cao, vỏ và quả quế dùng làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu và làm gia vị, gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Ngoài ra, trồng cây quế còn có tác dụng cải tạo đất, nhất là đối với đất bạc màu gắn với việc bảo vệ rừng, gia đình tôi đầu tư cải tạo đất đồi bạc màu trồng hơn 1 ha quế. Sang năm 2024, gia đình tôi sẽ tỉa thưa cành, tận thu bán sản phẩm.

Gia đình anh Đàm Văn Quý (ở xóm Cốc Chủ, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng) cũng là một trong những hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Quý cho biết, sau khi được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đầu tư làm nhà màng trồng hoa quả sạch, chất lượng cao. Từ nguồn vốn tín dụng, cùng với vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Hà Quảng, gia đình anh Quý đã xây dựng thành công mô hình trồng dưa lưới, dưa vàng, dưa sữa bạch kim. Áp dụng đúng kỹ thuật, vụ đầu tiên gia đình anh Quý thu hoạch trên 3 tấn dưa. Thành công bước đầu của mô hình đã giúp gia đình anh có thêm thu nhập; đồng thời mở ra triển vọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây nông thôn mới trên địa bàn huyện Hà Quảng. 

Nguồn vốn tính dụng chính sách giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững

Nguồn vốn tính dụng chính sách giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững

Anh Hoàng Văn Quang (thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm) đã vay vốn 100 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường. Tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này, gia đình anh Quang đầu tư nuôi bò vỗ béo. Anh cho biết, ban đầu, gia đình anh mua 4 con bò về nuôi, khoảng 2-3 tháng xuất bán. Mỗi con lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng. Cứ như vậy, gia đình anh xoay vòng mỗi năm nuôi và xuất bán trên 10 con bò, thu về khoảng 40 triệu đồng. Việc đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng đã giúp đời sống của gia đình không ngừng được cải thiện. Đến nay, gia đình anh Quang đã thoát nghèo và từng bước vươn lên phát triển kinh tế...

Anh Nguyễn Văn Kỳ ở xóm Nguyên Giáp xã Nam Tuấn, huyện Hòa An cũng được vay trên 70 triệu từ chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cùng với số tiền gia đình dành dụm được, anh đã mạnh dạn mua máy móc, mua lợn giống, đầu tư trồng cây ăn quả, cây thuốc lá, nuôi gà đẻ trứng... hàng năm gia đình thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách những năm qua đã giúp hàng chục nghìn gia đình tại Cao Bằng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, phát triển chăn nuôi, sửa chữa, làm mới nhà ở, đi xuất khẩu lao động... thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho rất nhiều hộ gia đình. Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Hương Điệp cho biết, thời gian tới, đơn vị tăng cường giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là người nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm huy động các khoản tiền nhàn rỗi của các của các tổ chức, cá nhân; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Đơn vị tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng năm cân đối ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng…

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh