Chiếc khăn giấy yêu thương
- Văn hóa - Giải trí
- 21:42 - 22/03/2015
Khi bố tôi đã 50 tuổi tôi mới chào đời. Tôi không hiểu sao bố lại ở nhà chứ không phải mẹ, nhưng tôi còn quá bé. Suốt những năm tôi đi học, bố đã làm rất nhiều việc cho tôi. Bố đã thuyết phục người lái xe buýt của trường học đón tôi tại nhà thay vì tại bến xe vì nó cách đó 6 tòa nhà lớn. Bố luôn chuẩn bị bữa trưa trước khi tôi đi học về - thường là một cái bánh sanwich bơ lạc và thạch. Tôi rất thích ngày lễ Giáng sinh. Những chiếc bánh sanwich thường được rắc đường xanh và cắt hình trái cây.
Khi lớn lên một chút, tôi chỉ muốn thoát khỏi những cử chỉ yêu thương “trẻ con” của bố để được tự do. Lên trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm trưa. Bố thường dậy sớm hơn để chuẩn bị bữa ăn cho tôi. Tôi không bao giờ biết bố chuẩn bị cái gì bên trong. Phía ngoài túi xách là hình thêu ngọn núi hoặc là một trái tim với dòng chữ “Bố yêu con”. Bố đã nhiều lần viết một truyện cười hoặc một câu đố hài hước khiến tôi phải bật cười và để thể hiện tình yêu của bố dành cho tôi.
Tôi thường giấu thức ăn trưa của tôi để không có ai có thể thấy cái túi hoặc đọc được những dòng trên khăn giấy, nhưng điều này kéo dài không được lâu. Một người bạn tôi đã thấy nó và chuyền khắp phòng ăn. Mặt tôi đỏ rực vì xấu hổ. Nhưng thật ngạc nhiên, ngày hôm sau, tất cả bạn bè đã đứng đợi tôi chỉ để được xem chiếc khăn giấy… Tôi đoán rằng tất cả mọi người đều mong muốn có một người bố như tôi và tôi hãnh diện vì điều đó. Suốt những năm còn lại của thời trung học, tôi vẫn nhận được những khăn giấy ấy từ bố.
Lên đại học, tôi nghĩ, tôi sẽ không còn nhận được những thông điệp đó nữa. Nhưng các bạn tôi và tôi đều vui mừng vì cách thể hiện tình yêu thương của bố dành cho tôi vẫn không thay đổi. Mỗi ngày sau khi từ trường về, cảm giác nhớ bố lại dâng đầy trong tôi, vì thế tôi gọi điện thoại về nhà thường xuyên. Hóa đơn điện thoại của tô thường rất cao. Chỉ cần nghe giọng của bố là tôi cảm thấy vui lắm rồi. Khi tôi chào tạm biệt, bố luôn nói:
- Bố yêu con!
- Con cũng yêu bố!
Hầu hết vào chiều thứ 6, tôi đều đặn nhận thư của bố. Đã nhiều lần phong thư được tô màu và ngoài lá thư còn có những bức vẽ chú mèo, chú chó của tôi, bức vẽ bố và mẹ tôi cùng lũ bạn chạy xe đạp quanh thị trấn. Bố cũng gửi hình vẽ ngọn núi và trái tim với dòng chữ “Bố và Angie K”.
Thư được phát mỗi ngày trước bữa ăn trưa, vì thế trước khi đến quán cà phê tôi đã nhận được thư bố. Bạn cùng phòng cũng là bạn từ thời trung học của tôi đã biết chuyện chiếc khăn giấy nên tôi không bao giờ giấu những lá thư.
Vào thời gian này bố tôi mắc bệnh ung thư. Khi những lá thư không đến vào thứ 6, tôi biết rằng bố đã bị ốm và không thể viết cho tôi được nữa. Bố thường dậy vào 4 giờ sáng, ngồi viết thư trong căn nhà tĩnh lặng. Nếu thư không đến vào thứ 6 chúng có thể đến chậm hơn 1 hoặc 2 ngày. Nhưng chúng luôn luôn đến. Bạn bè tôi thường gọi bố tôi là người bố tuyệt vời nhất trên thế giới. Họ đã ký tên vào một tấm thiếp, để tặng câu nói đó và gửi cho bố tôi. Tôi tin rằng bố tôi đã mang đến một bài học cho chúng tôi về tình yêu thương của người cha. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sau này bạn bè tôi gửi khăn giấy cho con họ. Bố đã để lại ấn tượng sâu sắc trong họ và nhắc nhở họ về tình yêu thương dành cho những đứa con.
Suốt 4 năm đại học, những bức thư và những cú điện thoại vẫn đến và đi đều đặn. Sau đó, tôi quyết định trở về nhà với bố tôi, bởi ông đã già yếu hơn và tôi biết rằng thời gian chúng tôi ở lại bên nhau không còn bao lâu nữa. Đó thật là chuỗi ngày khó khăn nhất phải vượt qua. Cuối cùng, bố đã không nhận ra tôi nữa và thường gọi tôi bằng cái tên của một người họ hàng bố đã không gặp từ lâu. Mặc dù, tôi biết đó là căn bệnh của bố tôi nhưng sao mà vẫn đau đớn trong lòng.
Tôi đã một mình bên cạnh bố trong bệnh viện hai ngày trước khi ông mất. Khi tôi chuẩn bị rời phòng, bố đã gọi tôi:
- Angie?
- Vâng, thưa bố!
- Bố yêu con.
- Bố ơi, con cũng yêu bố!