THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:21

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Áo nhà nước, hồn doanh nghiệp

 

 

Không quản doanh nghiệp như các bộ 

Còn nhớ hồi cuối tháng 9/2018, phát biểu chỉ đạo tại lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc thành lập QLVNN tại DN được ghi trong văn kiện đại hội Đảng. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN góp phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Việc thành lập Ủy ban là bước quan trọng để tách bạch chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh của DNNN.

“Sau khi 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban, vai trò của bộ ngành không giảm xuống mà còn tăng lên. Bởi tư lệnh ngành phải lãnh đạo xuyên suốt nhiều vấn đề lĩnh vực như quy hoạch ngành, đào tạo nguồn nhân lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá vai trò của Ủy ban, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Uỷ ban được Đảng, nhà nước giao quản lý tổng tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản nhà nước tại DN. Các DNNN trực thuộc Ủy ban đều là các DN trọng yếu của nền kinh tế như điện, xăng dầu, lương thực...

 

 

Người đứng đầu Chính Phủ nhấn mạnh, có hai con đường: một là Ủy ban phải đi trên con đường chuyên nghiệp, hiện đại và hai là tạo ra cơ quan quan liêu kiểu cũ, là gánh nặng của nền kinh tế. Và chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất, Ủy ban phải trở thành cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại, dù đây là con đường khó khăn hơn. Nó phải là cơ quan thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cải cách nâng cao hiệu quả toàn diện hệ thống DNNN. “Uỷ ban không được theo lối mòn của cơ quan hành chính trước kia như quan liêu, gây phức tạp cho các DNNN trực thuộc. Cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả, tuyển dụng đúng cán bộ và có bộ chỉ số đánh giá hiệu quả từng cán bộ, cơ chế giam sát nội bộ, hoàn thiện công cụ quản lý. Đồng thời, Uỷ ban phải có thước đo đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của từng DNNN”-Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý, Ủy ban phải xây dựng chiến lược, xác định chỉ tiêu hoạt động của từng DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa DN. Đồng thời phải thúc đẩy DNNN phát triển nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của DN, quản lý và phát triển nguồn vốn không được để nguồn vốn teo tóp, doanh thu năm sau phải cao hơn năm trước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại DN, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan có DN và các DN được chuyển giao để triển khai công việc "quy về một mối" theo quy định; không gián đoạn hoạt động kinh doanh của DN. Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa 2 bên cũng được xác lập nhằm tiếp tục chỉ đạo và quản lý DN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm 2018.

 

 

 

Đánh giá về vai trò của Ủy ban, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng việc thành lập Ủy ban QLVNN tại DN nhằm tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đồng thời, có thể bảo đảm sự thống nhất một đầu mối, chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước. “Thực tế, sau khi chuyển giao về "siêu ủy ban", có thể hàng loạt đặc quyền, đặc lợi của DN sẽ bị xóa bỏ hoặc giảm bớt so với trước. Bản thân cơ quan chủ quản là bộ, ngành, địa phương cũng mất đi ít nhiều quyền lực và quyền lợi. Song, đây lại là điều kiện tốt để sàng lọc DN, trả lại môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho cộng đồng DN”-ông Thành chia sẻ.

Theo Chủ tịch EVN, thực hiện yêu cầu chuyển giao, EVN đã làm việc với bộ phận chuyên môn của Ủy ban QLVNN tại DN về một số công việc liên quan đến công tác quản lý, giám sát DN. Trong đó, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác quản lý của Ủy ban, như:  Bộ chỉ số giám sát, đánh giá DN; thông tin sơ bộ về doanh thu, sản lượng điện thương phẩm, biểu đồ phụ tải...

Chiếc áo cơ quan nhà nước, linh hồn DN

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận việc Chính phủ chủ trương trong giai đoạn đầu chỉ chuyển giao một bộ phận DNNN về cơ quan này quản lý, với khoảng một nửa tổng số vốn nhà nước đang đầu tư tại DN chứng tỏ không trao quyền quá lớn cho Ủy ban. Quy mô này phù hợp với năng lực và nguồn lực của Ủy ban trong giai đoạn đầu thành lập.

"Một trong những lý do khiến hiệu quả quản lý vốn nhà nước chưa đạt là do chúng ta đang sử dụng bộ máy quản lý nhà nước để quản lý hoạt động đặc thù là sản xuất kinh doanh. Ủy ban là bộ máy chuyên trách quản lý phần vốn đang phân tán tại nhiều bộ, ngành, địa phương nên tôi tin là có hiệu quả", ông Trung nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN của CIEM cũng cho rằng, với việc Ủy ban được giao tập trung khối lượng nguồn lực quan trọng của nền kinh tế thì yêu cầu chính đáng là phải có sự giám sát.

"Việc giám sát với bất cứ cơ quan nào thuộc Chính phủ cũng thực hiện theo quy định pháp luật, đặc biệt là giám sát từ các cơ quan kiểm toán, Quốc hội,... Một công cụ giám sát khác nằm ngay trong dự thảo nghị định, đó là quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin, đặc biệt chế độ công bố thông tin để giám sát" - ông Phạm Đức Trung chia sẻ.

 

 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nếu coi Ủy ban QLVNN tại DN như một cơ quan quản lý nhà nước bình thường thì có lẽ không đạt mục tiêu quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Với Ủy ban này, "cái áo" có thể là cơ quan nhà nước nhưng linh hồn của nó phải hoạt động như một DN. Dòng máu chảy trong đó phải là của DN, tư duy của nó cũng phải là tư duy của một DN hiện đại thì mới quản lý vừa chặt chẽ vừa linh hoạt nguồn vốn. Ủy ban QLVNN cần thực hiện chức năng như của một nhà đầu tư. Khi giao chỉ tiêu, cũng nên giao những chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao để DN phấn đấu, thậm chí có thể 30%-40% chứ không phải chỉ 1%-2%.

Với vai trò người "cầm trịch", ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, Uỷ ban này sẽ có những đổi mới, cải tiến trong cách thức tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ. Uỷ ban sẽ là nơi hội tụ đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn.

Theo đó, trong năm 2018, Chủ tịch của "siêu uỷ ban" đã đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, cần  triển khai ngay trong năm 2018. Những nhiệm vụ này bao gồm: Nhóm giải pháp về ổn định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ủy ban; Nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư; Nhóm giải pháp về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Nhóm nhiệm vụ về quản trị doanh nghiệp; Nhóm giải pháp lấy sự phát triển làm mục tiêu; Nhóm về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

 

19 TCty và Tập đoàn chuyển giao về Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

CAO XUÂN HUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh