THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:25

Chia tay “sếp đầu hói” Phạm Bằng

 

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, phóng viên Báo Lao động & Xã hội đã từng tìm đến nhà phỏng vấn ông. Tại căn nhà, cũng quán bánh trôi tàu nổi tiếng ở số 30 Hàng Giầy (Hà Nội), ông đã kể cho chúng tôi nghe về nghề làm bánh trôi từ khi ông là một cậu bé giúp việc ở một quán bánh trôi tàu của một gia đình người Hoa cho đến khi tự đứng ra mở một quán của riêng mình và nổi tiếng từ đó đến nay. Cái quán nhỏ nơi góc phố Hàng Giầy bao nhiêu năm qua đã nuôi sống gia đình ông khi thu nhập từ nghề diễn không đủ sống và trở thành địa chỉ quen thuộc của dân Hà thành. 
Trong cuộc phỏng vấn ấy, ông cũng không tiếc lời kể về người vợ tần tảo nhưng sâu nặng nghĩa tình đã sớm đi xa của mình và nói “nếu không có bà ấy thì tôi chẳng là gì cả”… Bởi chính cái quán nhỏ đơn sơ ấy, với đôi bàn tay của người vợ tần tảo, mà ông có điều kiện để hoàn thành những vai diễn của mình. Không có những năm tháng nghèo khổ, vất vả ấy, sẽ chẳng có một Phạm Bằng hôm nay…
Mới đấy mà đã hơn chục năm!
Hơn chục năm qua, ông vẫn khỏe mạnh, đều đặn với những vai diễn. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn quay lại quán bánh trôi của ông, không phải để phỏng vấn mà để thưởng thức cái hương vị bánh trôi tàu rất đặc biệt của ông khi tiết trời Hà Nội trở nên se lạnh.
Năm nay chưa kịp đến đã nghe tin ông mất.

Phạm Bằng được biết đến nhiều trong thể loại hài kịch
Phạm Bằng ra đi khá đột ngột. Trước đó chỉ vài ngày, thông tin ông bị bệnh và đang nằm viện, sụt 8 kg mới được một số tờ báo đăng tải. Trước nhiều tin đồn bị ung thư gan, Phạm Bằng cho biết, bệnh của mình là viêm túi mật dẫn đến viêm gan chứ không phải ung thư. Ông còn chia sẻ phát hiện mình chán ăn, sụt cân nhanh từ khoảng 3 tháng trước. Sau khi đi khám và phát hiện bệnh thì ông điều trị tại TP.HCM, tuy nhiên, tình hình nguy cấp khiến nghệ sĩ phải sang Singapore thông túi mật. Ông tỏ ra khá lạc quan và tin rằng sức khỏe mình sẽ sớm ổn định trở lại. Tuy vậy, phép màu đã không xảy ra…
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là nghệ sĩ đa năng khi vừa đóng kịch, đóng phim, diễn hài. Nhắc đến sự nghiệp diễn xuất của Phạm Bằng, không thể không nhắc đến các vai Lý trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (tác gia Lưu Quang Vũ). Vai diễn này cùng với vai Thương trong “Mớ đời Thương” đã giúp ông đoạt hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 
Bên cạnh những vai diễn ấn tượng trên sân khấu kịch và phim truyền hình thì Phạm Bằng còn ghi dấu ấn với nhiều tiểu phẩm hài trong “Gặp nhau cuối tuần”. Cho đến bây giờ, khi chương trình đã khép lại nhiều năm nhưng khán giả vẫn chưa thể quên được sự duyên dáng, dí dỏm và hài hước của vai “sếp đầu hói” do NSƯT Phạm Bằng thủ vai. Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, ông đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng "hói" trong các tiểu phẩm trên truyền hình. Có thể nói, đây là vai diễn đã thực sự đưa tên tuổi của ông đến với khán giả một cách sâu rộng.

"Sếp hói" Phạm Bằng trong Gặp nhau cuối tuần
Đạo diễn NSND Khải Hưng - người khai sinh ra “Gặp nhau cuối tuần”, “cha đẻ” của hình tượng nhân vật “sếp đầu hói” chia sẻ, chương trình này đứng được cũng nhờ sự góp mặt của Phạm Bằng. Và chính nhờ diễn chung với Phạm Bằng trong series của “Gặp nhau cuối tuần” mà rất nhiều gương mặt trẻ đã thành danh như: Quốc Khánh, Vân Dung, Quang Thắng, Giang “còi”, Quang “tèo”, Hương “tươi”, Vượng “râu”, Hiệp “gà”…
Trước khi mất, ở tuổi 85, Phạm Bằng vẫn chạy xe máy đi diễn quanh Hà Nội. Với ông, tiếng cười của khán giả luôn là phần thưởng lớn nhất. Và đi diễn cũng là cách để ông khỏa lấp những trống trải trong đời tư. Dù cuộc sống cô đơn, trống tải nhưng Phạm Bằng bảo, ông không cho phép mình mang nỗi buồn lên sân khấu, vào phim ảnh, bởi “tôi tự biết mình là diễn viên hài, là người mang tiếng cười đến cho khán giả, phải dẹp hết mọi ưu tư trong lòng, để tập trung cho công việc”…

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh