CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:28

Chí Trung muốn đánh Vân Dung nhiều lần vì vô tổ chức

 

Nghệ sĩ hài miền Bắc thiếu chuyên nghiệp

- Rất ít khi kết thúc một chương trình nào đó, thấy anh nán lại chụp hình với khán giả, nhất là trong chương trình ghi hình Táo quân 2015 vừa qua, khi mà các Táo vui vẻ chụp với người hâm mộ, riêng anh thì né đi. Anh không sợ mọi người nói anh kiêu, chảnh sao?

Tâm sự thật với bạn là tất cả những ngày vui của mọi người như Tết, Giao thừa là tôi cứ khóc, cứ buồn, cái tính tôi không hiểu sao lại thế. Tôi cảm giác như tôi mắc bệnh ấy. Có thể là do chuyện gia đình ngày thơ ấu, xuất thân từ cảnh nghèo khó, xuất thân lập nghiệp bằng 2 bàn tay trắng... nó mặc cảm không xoá đi được. Do đó, bao nhiêu năm trời, trước khi yêu và cưới vợ tôi bây giờ cứ giao thừa là tôi đi trong mưa, càng mưa càng tốt và hể hả khóc trong cái niềm vui chung của mọi người.

Dù là người 'đầu trò' các cuộc vui cho mọi người và tôi cứ như hoạt náo viên vậy nhưng thực ra tôi cũng không vui nổi. Tất cả các Táo đóng trong gặp nhau cuối năm đều hân hoan vui sướng sau khi kết chương trình và vui vẻ chụp hình với khán giả thì hầu như không bao giờ có tôi.

Khi mà đứng xếp hàng chụp hình, tôi bao giờ cũng chọn vị trí ngoài cùng, hiếm lắm mới vào vị trí thứ 2. Bảo tôi là khiêm tốn cũng được mà bảo không hoà đồng cũng được. Không phải vì tôi không chung niềm vui mà tôi cứ cảm thấy tôi chưa làm được. Họp trong cuộc họp của Bộ hay của Nhà hát, bao giờ tôi cũng né và làm những việc hậu trường. Nếu có nói tôi chỉ nói đúng và trúng, xin 2 phút là nói đúng 2 phút, 1 phút là một phút chuẩn công việc, không vòng vèo. 

 

Nhiều câu nói của Chí Trung trong Táo quân 2016 được cộng đồng mạng lấy làm slogan.

- Như thế tôi thấy anh quá chuyên nghiệp chứ mắc bệnh gì đâu?

Tính tôi vậy, tính tôi thực tế đến mức thực dụng vậy đó. Nhiều phóng viên bảo tôi nhân ngày xuân chúc khán giả điều gì đó đi, tôi chịu, không nói được điều đó. Tôi thấy nó cứ giả dối như thế nào ý. Tôi không tự tin khi nói chuyện khác ngoài công việc. Nếu nói về công việc, có lẽ, nhiều người còn bảo tôi dừng lại vì cướp hết ‘diễn đàn’.

- Nghe nói, các Táo khi tham gia tập Táo quân rất hay 'xin' với đạo diễn để vai mình hay hơn. Táo quân vừa qua gặp anh ở hậu trường buổi ghi hình, hỏi anh thì anh buồn, anh bảo Táo của anh chán. Tại sao anh không xin đạo diễn cho vai mình hay bằng Táo khác?

Bao nhiêu năm nay vai Táo của tôi lúc nào cũng là vai thiệt thòi nhất, đơn giản là trong quá trình tập, tôi là người ít đòi hỏi nhất. Tôi đã là đạo diễn, tôi rất hiểu khao khát của diễn viên là được thể hiện mình. Mà cái khổ nhất của đạo diễn là luôn bị dày vò, trong Táo quân, tôi nhường phần dày vò đó cho các em của tôi. Ví dụ Vân Dung chẳng hạn, nó luôn luôn làm tình làm tội Hải (Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - PV) và cả Nam tào, Bắc Đẩu. Nó khao khát tới độ ngày nào cũng bị tiền đình và lăn đùng ra ngất lịm.

- Nhưng khi xem tôi thấy vai Táo xã hội của anh đâu đến nỗi, tôi thấy 'ghét' anh vì tôi hỏi thật thế mà anh lừa tôi?

Nói thật, tôi không lừa bạn. Năm nay, trước khi tập tôi có bảo Hải cho tôi đọc kịch bản cụ thể để nếu có gì tôi còn từ chối vì năm ngoái tôi đã không thành công và rất buồn rồi. Nhưng Hải nói với tôi chưa có, tôi nghĩ Hải nói dối. Tôi bảo: “Hay mày sợ anh bán thông tin ra ngoài”, Hải lắc đầu bảo không. Hóa ra là 4 Táo, Hải đều đặt hàng 4 người viết khác nhau.

Táo tinh thần thì do Đinh Tiến Dũng viết, Hải chọn Tự Long anh em đều thấy rất hợp, không có gì để bàn cãi dù ban đầu tôi có nói Dũng viết cho tôi, nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn ở đạo diễn mà.

Tôi không có gì phải ghen tị với các Táo khác cả bởi tôi biết, tôi cũng có thế mạnh riêng, đặc biệt là hài thâm, cái mảng mà những câu chính luận được chuyển thành hài bởi cái giọng giiễu nhại của tôi thì chỉ có tôi có. Rất nhiều người học mà không theo được. Chính thế mà năm nay, vô tình những câu nói của tôi lại thành công và mọi người cứ lấy đó làm slogan.

Kể cả khi chương trình ghi hình kết thúc, tôi vẫn nói với Hải rằng Táo năm nay kịch bản viết cho tôi là kém nhất, Hải công nhận nhưng nói rằng Táo của tôi lại chứa đựng những câu nói mà Hải tâm đắc nhất. Tôi tưởng Hải an ủi tôi, hóa ra mọi người thích thật.

- Tôi từng nghe các Táo khác trả lời phỏng vấn rằng, bao nhiêu năm anh em tập Táo với nhau, chẳng khi nào cãi nhau nửa câu. Hỏi thật anh, với đội ngũ Táo toàn ngôi sao sáng như vậy, chả lẽ không có chuyện đó thật?

Nói thật, chắc chỉ có Hải mới có thể tập hợp được một ‘lũ’ mà chúng tôi luôn hài hước gọi rằng ‘sao ô hợp’, bởi mỗi người một tính cách khác nhau và rất ngạo nghễ. Nói quá trình chúng tôi tập với nhau mà không cãi nhau, tôi thấy ‘ngượng mồm’.

Chúng tôi luôn bức xúc với nhau về giờ giấc, thời gian. Tại sao cứ phải tập đêm dù ban ngày đâu phải bận lắm đâu? Đêm đến, hẹn nhau 7h nhưng mà 11h vẫn chưa thấy đông đủ. Đến lại còn hút thuốc, một điếu lại hai ba, rồi đói ăn, ăn xong lại hút... mãi 1giờ sáng hôm sau mới tập. Già như tôi rất mệt. Thực ra hiệu quả còn cao nữa nếu chúng tôi bảo nhau được và tập ban ngày. Ban ngày sức sáng tạo nhiều hơn, trong khi đêm xuống đã mệt rũ với tỉ thứ ban ngày rồi lại tiếp tục diễn thì làm sao mà tốt được.

- Cả năm mới có một chương trình mà quy tụ được nhiều viễn viên hài tài năng đến vậy, trong khi đó, các nhóm hài phía Nam chiến lĩnh gần như 90% trên truyền hình. Theo anh yếu tố nào khiến sân khấu hài phía Nam nở rộ đến vậy?

Tôi không so sánh về chất lượng, bởi mỗi nơi có một đặc thù riêng. Tôi chỉ so sánh về cách làm việc. Các nghệ sĩ phía Nam, họ có phong cách làm việc rất chuyên nghiệp, khác hẳn niềm Bắc. Nếu Hải mà không làm Táo chắc chả có ai làm. Hải đã từng bảo tôi nếu Hải không làm thì tôi làm thay, nhưng tôi chịu. Tôi không thể tập hợp được cả một ‘rổ táo’ vào với nhau như Hải được.

Ở sân khấu hài miền Bắc thì những nghệ sĩ đóng Táo quân tạm gọi là những nghệ sĩ tiêu biểu. Chúng tôi mong muốn vô cùng trong 2 năm trở lại đây là liên kết lại với nhau để có một sân khấu hài khá tốt mà những vở hài của phía Nam đang nhấn chìm 90% trên truyền hình hiện nay nhưng không làm sao mà tập hợp được. Vân Dung, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung… mỗi người một tính cách không hề liên quan gì tới nhau cả. Mọi người đều được gọi là ‘sao’ và có cái tôi rất lớn.

Nói như vậy không phải là các bạn hài miền Nam không có tôi lớn, họ cũng có chứ nhưng họ lại liên kết lại với nhau bằng tính chuyên nghiệp. Ngoài này, các nghệ sĩ hoạt động chỉ mang tính chất làng xã. 

Tôi lấy ví dụ thế này, tôi giới thiệu rất nhiều những mối quảng cáo cho anh em để kiếm thêm thu nhập nhưng mọi người lại thiếu chuyên nghiệp ở chỗ nghĩ mình ở tầm này tầm kia như mức như vậy là thiệt quá, phải thế này thế kia cơ… mất thương hiệu của mình.

Thực ra, thương hiệu nằm trong lòng của mình, trong sản phẩm mình quảng cáo có tính cộng đồng cao hay không chứ không phải sản phẩm đó mình quảng cáo được cát xê cao, đó là thương hiệu của mình. Có những quảng cáo tôi không nhận cát xê nhưng vẫn vui vẻ làm.

Thực ra, sự lựa chọn của nghệ sĩ là điều cần thiết nhưng đừng đánh đồng giữa việc lựa chọn của mình với việc mặc cả tiền thù lao hay sự lười biếng của nghệ sĩ. Hoặc lo rằng mình làm thế này thế kia bị mất uy tín, mất vị thế của nghệ sĩ. Cái cách mình tiếp xúc với công chúng ở sự kiện mới quan trọng, mới đánh giá tư cách nghệ sĩ chứ không phải dựa vào cát xê cao hay thấp để đánh giá.

Chẳng hạn tôi đưa đoàn đi diễn tỉnh, tôi phải biến một nhà văn hóa xây mấy năm trời, thậm chí nilon còn chưa bóc ra khỏi ghế trong một đêm thành đông nghịt người. Vậy, tôi phải làm thế nào? Tôi cầm tận tay tờ rơi, phát cho người dân, mời họ với cách rất trân trọng để họ tới xem mình diễn. Nghệ sĩ miền Bắc mà làm thế này nhiều người cảm thấy nhục, tôi thì không.

 

Chí Trung - Vân Dung

'Dan díu' với Vân Dung như tình nhân

- Tôi từng nghe anh tuyên bố hùng hồn khi lên làm Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ rằng, sẽ nói không với vé mời dù đêm diễn chỉ có 10 khán giả. Các chương trình của anh bây giờ vẫn thực hiện nguyên tắc đó chứ?

Mới đây thôi, ngày đi làm đầu tiên của năm mới, anh Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - PV) có tặng cho diễn viên mỗi người một cặp để mời người thân, coi như mừng tuổi. Lâu lắm rồi bọn tôi mới thực hiện lại cái đó. Chứ trước đó là tôi đề nghị anh Nhuận bỏ.

Thế là đùng cái, tối đến có vài phe vé cầm giấy mời ở hàng U rao bán. Tôi nhảy bổ xuống xe đuổi theo phe vé xem cái vé đó số hiệu thế nào để về tra xem mời ai. Lần sau sẽ không mời nữa, nhưng vì không chụp được, lúc về tôi cũng lại quên số vé.

Thà tôi diễn cho 100 người muốn xem chứ không muốn diễn cho 100 người vì tiếc cái vé mời để nó phí rồi đi xem.

- Vậy vở mới 'Quan Thanh Tra' của anh ngày 27/2 tới đây sẽ công diễn, anh có tự tin bán được vé và kín rạp nếu không có vé mời không bởi nó không hẳn là vở hài kịch mà anh vẫn làm?

Quan thanh tra là vở hài kịch đặc sắc nằm trong bộ sách tuyển chọn 100 tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới do NXB Sân khấu ấn hành. Tác phẩm ra đời vào năm 1835, nhưng còn nguyên giá trị thời sự trong xã hội hiện đại hôm nay. Nhà viết kịch lỗi lạc Nikolai Gogol đã phê phán, chế giễu mạnh mẽ những thói hư tật xấu của tầng lớp quan lại và cả giới trí thức, nhà buôn đương thời. Không trừ một ai, tất cả các nhân vật đều phản diện như hình ảnh của những con chuột - ăn vụng, nói xấu và phá hoại lẫn nhau. Dù là hài kịch nhưng là hài kinh điển nên tôi cũng không chắc lắm sẽ bán được nhiều vé.

- Vở này có Vân Dung, cái tên đó đủ hot để bán vé, anh vẫn không tự tin sao?

Ngay cả những vở khác của tôi khách cũng rất vắng, khách càng ngày càng teo tóp và tôi rất cần sự chung tay của rất nhiều doanh nghiệp để có những sản phẩm sân khấu tốt.

- Lần đầu tiên thấy Vân Dung vào một vai dài hơi trong các vở kịch của Nhà hát. Quá trình làm việc với Vân Dung, lại là một ngôi sao, anh với cô ấy có khi nào cãi nhau không?

Tôi với Vân Dung về mệnh rất hợp nhưng lại cứ như chó với mèo suốt. Nếu lấy tư cách lãnh đạo để ‘đánh chết’ nhân viên của mình thì có lẽ tôi đã ‘đánh’ Dung nhiều lần vì vô tổ chức. Tôi vẫn nói với Dung là không hiểu sao tôi với nó cứ ‘dan díu’ với nhau như tình nhân. Dung biết tôi thương nó như em và nó cũng coi tôi như anh trai nên nó cứ thế.

- Anh quản lý một dàn sao như vậy ở Nhà hát, khó nhất là điều gì?

Khó nhất là biết điểm dừng trong cả lúc chửi mắng và trong cả lúc chiều chuộng. Không thể đưa thiết quân luật một cách cứng nhắc nhưng cũng không thể yêu chiều một cách ngu dốt được bởi như thế sẽ hủy hoại nhanh nhất diễn viên.

- Nghe nói, anh sắp làm vở kịch về đời mình. Anh cũng bắt kịp xu hướng quá nhỉ khi làm phim về đời mình, viết hồi ký về đời mình của các nghệ sĩ đang rất hot và doanh thu rất ổn. Chí Trung lại đang muốn nổi tiếng hơn nữa chăng?

Đúng là tôi đang chuẩn bị làm một vở kịch về cuộc đời mình. “Tơ trời mong manh” là tên vở kịch tôi đang nghĩ trong đầu để nói về tơ trời về nghệ thuật chứ không phải tơ trời tình yêu.

Vợ chồng tôi trong giới nghệ sĩ thì cũng được mọi người hâm mộ bởi tạm được gọi là biểu tượng của sự chưa bỏ nhau, chung thủy. Và cái tơ trời đó là bởi chúng tôi đều bám vào nghệ thuật để có thể đến được với nhau cho tới tận ngày hôm nay. Chúng tôi cùng đến với nhau vì nghệ thuật, yêu nhau cũng tại Nhà hát này, trưởng thành tại đây và sắp tới, sẽ cùng dắt nhau ra đi, chết tại nơi này.

Tôi không có ý định PR gì cả nhưng mong muốn của khán giả là có thật, bởi họ cũng muốn xem lại một thời khốn khó mà vợ chồng tôi cũng là một trong những cặp đôi trải qua nó, tái hiện nó trên sân khấu như thế nào.

Tôi không quan tâm tới doanh thu bởi tôi đâu có bán vé. Tôi quan tâm tới cái tôi làm được gì cho khán giả, cho bạn bè của tôi và cho tôi. Tôi chỉ làm điều tôi muốn chứ không vì gì cả.

 

Vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền

Cảm ơn anh về chia sẻ!

theo Tình Lê/vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh