THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Chiều 03/4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức cuộc làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc làm việc.

Có những bước tiến rõ rệt

Báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) Lê Khánh Lương nêu rõ, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới năm 2022 đều có những tiến bộ so với năm 2021, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, số lượng và tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt tăng so với năm 2021 và tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Các chỉ tiêu đã đạt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục được duy trì.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 7.2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 đã tăng 4 bậc so với năm 2021, từ vị trí thứ 87/144 quốc gia lên vị trí thứ 83/146 quốc gia.

Trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Về một số chỉ tiêu cụ thể, ông Lê Khánh Lương cho biết, trong lĩnh vực kinh tế, lao động, chỉ tiêu “tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030” đã tăng so với năm 2021 và có khả năng đạt vào năm 2025.

Cụ thể, theo kết quả phân tích sơ bộ từ Điều tra lao động việc làm năm 2022, ước tính tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 49,04%, tăng so với tỷ lệ 43,4% năm 2021; so với lao động nam là 55,65%.

Về chỉ tiêu “tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030”, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số liệu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 28,2%. Chỉ tiêu này đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đề ra đến năm 2025.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chỉ tiêu “tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào ănm 2025 và 40% vào năm 2040” ước đạt chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2025. Theo số liệu thống kế giáo dục nghề nghiệp là 1.570.890 người , trong đó nữ là 542.076 người, chiếm 34,5%, tăng 2,9% so với năm 2020.

Chỉ tiêu “tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi; tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030” dự báo khả năng sẽ đạt mục tiêu vào năm 2025 và 2030.

Trên cơ sở kết quả năm 2019 với tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ là 44,2%, tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ là 28% và xu hướng tỷ lệ nữ tham gia các bậc học cao ngày càng tăng.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Lê Khánh Lương báo cáo tại cuộc làm việc

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Lê Khánh Lương báo cáo tại cuộc làm việc

Tăng cường hợp tác, cung cấp, chia sẻ dữ liệu thống kê về giới

Đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các đại biểu cũng cho rằng, một trong những bước tiến đáng chú ý trong tổ chức thực hiện, đó là hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

Quốc hội đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Trần Thị Hồng An nhấn mạnh, việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân, bảo đảm quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới.

Nêu thực tế vướng mắc lớn nhất trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thời gian qua là việc lồng ghép vốn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cũng ghi nhận và đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 3948/BKHĐT-TCTT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, “lồng ghép vốn” chính là việc các địa phương chủ động xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với thực tế tổ chức thực hiện tại địa phương.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Bên cạnh những bước tiến đáng kể, các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn những khó khăn tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục để công tác bình đẳng giới đạt được những kết quả thực chất.

Một trong những hạn chế, tồn tại được nêu trong báo cáo là công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu, chưa đồng bộ. Một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được thu thập, đánh giá hàng năm.

Băn khoăn về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Trần Thị Hồng An cũng cho rằng, việc cơ sở dữ liệu không đồng bộ, không bảo đảm tính chính xác gây khó khăn cho việc đánh giá các chỉ tiêu, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đại biểu đề nghị, cần có giải pháp đột phá trong giai đoạn trước mắt và lâu dài nhằm hoàn thiện bộ công cụ xác lập cơ sở đánh giá việc thực hiện Chiến lược bình đẳng giới.

Một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới được Chính phủ nêu trong báo cáo là: xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia; tăng cường hợp tác, cung cấp và chia sẻ dữ liệu thống kê về giới, tổ chức các cuộc khảo sát, thống kê, nghiên cứu liên quan để có các số liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.

Nhất trí với giải pháp này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, giải pháp này rất quan trọng và đề xuất, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia cần liên thông với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6.1.2022; cũng như các hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hệ thống đăng ký thuế, hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về hợp tác xã…

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cũng tán thành với giải pháp “nghiên cứu, xây dựng thí điểm bộ chỉ số xếp hạng bình đẳng giới cấp tỉnh” và cho rằng, nếu quyết tâm thực hiện thì đây là một trong những giải pháp cụ thể và có tính khả thi cao nhằm đạt được các kết quả tốt hơn trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ ra rằng, bên cạnh số liệu thống kê từ điều tra quốc gia, cần bổ sung số liệu thống kê hàng năm của các ngành, đồng thời Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm thống kê.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cũng nhấn mạnh cần đảm bảo chất lượng của các chỉ tiêu, hiệu quả thực chất đã được như mong muốn hay chưa, rà soát lại các mục tiêu bình đẳng giới, đảm bảo thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để nữ giới và nam giới tham gia thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp bền vững của đất nước.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh