THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 06:44

Tây sang Việt Nam, ngã mũ học chơi trò quý tộc

 

Học phí rẻ

Chiều cuối năm, tấp xe vô sân tập Đông Dư cạnh chân cầu Thanh Trì (Hà Nội), tôi gặp một chàng ngoại quốc to béo đang lom khom cầm gậy vụt bóng theo kiểu “cuốc đất trồng khoai”. Hỏi thăm mới biết anh là Hans, doanh nhân người Áo, hiện đang giữ vị trí quan trọng trong một tập đoàn thiết bị xây dựng lớn tại Việt Nam.

Theo phong trào chuyển đổi từ tennis sang golf của bộ phận thượng lưu trong tập đoàn, anh không thể đứng ngoài cuộc, đành phải làm quen với trò chơi quý tộc này.

Để nắm bắt được kỹ thuật phức tạp của golf, anh đã tham gia một khóa học ở Đảo Sen (quận Long Biên, Hà Nội), nhưng không theo đầy đủ nên vẫn còn rất vụng về, đành phải tranh thủ sang Đông Dư luyện thêm.

 

Những người nước ngoài học chơi golf ở Việt Nam

Thấy anh cởi mở, tôi đành hướng dẫn cho anh mấy chiêu để có thể có cú swing (xoay người đánh bóng) hoàn hảo, vậy là anh tôn tôi là thầy và học một cách thành khẩn.

Người viết bài này đã được học golf từ một người Mỹ và kinh nghiệm hơn 10 năm chơi golf. Đây không phải là lần đầu tôi tham gia dạy golf cho những ông Tây, xuất thân từ các nước G7 G8. Và Hans cũng chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp những người ngoại quốc sang Việt Nam làm ăn, tranh thủ thời gian ngoài giờ học golf để nuôi dưỡng niềm đam mê của họ.

Hàng ngày, ở các sân tập cạnh Hồ Tây như HaNoi club, Thang Loi sports Club,... có rất nhiều người nước ngoài đến học golf. Giáo viên hướng dẫn hầu hết là người Việt.

Joseph, một sinh viên người Hà Lan, đã giành gần trọn kỳ nghỉ hè sang Việt Nam chỉ để du lịch và học golf. Anh cho biết, trường nơi anh theo học, University of Amsterdam, có đưa golf vào chương trình giáo dục thể chất, nhưng ở đó sinh viên được học căn bản mà không có điều kiện tập luyện. Muốn học nâng cao, phải thuê thầy ở ngoài với chi phí đắt đỏ mà không phải ai cũng có đủ khả năng theo đuổi. Tình cờ lướt web, tìm hiểu về Việt Nam, anh có thông tin và tìm đường sang Hà Nội, vừa du lịch vừa để luyện golf.

Anh nhận xét, ở Việt Nam, điều kiện sân bãi khá tốt, chi phí học golf cho một khóa 2 tháng chỉ xấp xỉ 500 USD, rẻ hơn rất nhiều so với các nước EU.

Anh Hùng, một doanh nhân đến từ Đài Loan, vừa được điều từ Đài Bắc sang làm trưởng đại diện cho một hãng điện tử tại Hà Nội, cũng buộc phải đi học golf do nhu cầu của công việc và giao tiếp. Thầy giáo của anh là Nguyễn Thế Chiến, hiện đang huấn luyện ở sân golf Long Biên.

Anh Hùng cho biết, ở Đài Bắc, chi phí học golf đắt hơn nhiều so với Việt Nam. Hơn thế, do áp lực công việc nên anh không mấy rảnh rỗi để chơi golf được. Khi sang Việt Nam, nhịp sống chậm hơn và do xa gia đình nên anh mới có thời gian cho golf. Thêm vào đó, việc học golf ở Việt Nam giúp anh trau dồi thêm vốn tiếng Việt mà anh mới chỉ được học căn bản. Những lần ra sân vào cuối tuần với các đối tác, qua đó anh có nhiều cơ hội để trao đổi công việc và nắm bắt thông tin.

Sự dịch chuyển lạ thời hội nhập

Golf đã theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ trước. Từ năm 1922, bình đồ tổng thể sân golf đã được Kiến trúc sư người Pháp Ernest Hebrard đưa vào trong bản đồ quy hoạch tổng thể thành phố Đà Lạt.

 

Nhiều ông Tây bà đầm từ các nước văn minh sang Việt Nam học tập làm ăn đã học golf từ những người Việt.

Ít lâu sau, hai kiến trúc sư người Scotland, Colt và Alison, đã đưa ra thiết kế chi tiết xây dựng sân golf đầu tiên ở Việt Nam và cũng là đầu tiên ở khu vực Đông Dương.

Năm 1933, sau nhiều năm xây dựng, sân golf đầu tiên ở Việt Nam đã đi vào hoạt động, chính thức đưa golf Việt Nam lên bản đồ thế giới. Thời kỳ này, sân golf chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí thể thao cho những quan chức người Pháp, là môi trường lý tưởng cho những hoạt động ngoại giao của các quan chức và doanh nhân từ “mẫu quốc” đến Việt Nam. Một số ít ỏi vua quan triều Nguyễn, trong đó có vua Bảo Đại, được tiếp xúc với golf.

Nhiều chục năm sau đó, do chiến tranh và điều kiện không cho phép, golf bị đi vào quên lãng. Sân golf Đà Lạt cũng trở nên hoang phế và biến thành bãi chăn thả gia súc. Người Việt vẫn chỉ biết đến golf như là một trò chơi xa xỉ và tốn kém của phương Tây.

Khi đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập, golf hồi sinh và được đón nhận tại Việt Nam. Năm 1993, sau nhiều năm xây dựng, sân golf Đảo Vua ở Đồng Mô - Sơn Tây, sau đó là sân Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) - hai sân golf đầu tiên mở cửa - khởi đầu cho một ngành công nghiệp golf non trẻ và đầy triển vọng.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến nay, cả nước đã có gần 40 sân golf đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động và nộp ngân sách cả ngàn tỷ đồng. Vậy là, golf từ một trò chơi của người nước ngoài, nay đã tham dự vào đời sống kinh tế.

Điều quan trọng hơn, từ một trò chơi xa xỉ, là chốn gặp gỡ của các nhà tài phiệt, golf ngày càng trở nên phổ biến. Hơn thế, những người Việt đầu tiên chơi golf là các ông hoàng bà chúa, được những ông Tây “mắt xanh mũi lõ” dạy thì nay có hiện tượng ngược lại: nhiều ông Tây bà đầm từ các nước văn minh sang Việt Nam học tập làm ăn đã học golf từ những người Việt.

Hội nhập là sự thâm nhập lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Với golf cũng vậy. Không chỉ có những tay golf người Việt ra nước ngoài du học mà ở chiều ngược lại, có không ít người nước ngoài vào Việt Nam học golf và họ đã và đang làm cho đời sống kinh tế thêm sinh động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh