Chi phí cho thủ tục xây dựng “ăn” nhiều tiền nhất của doanh nghiệp
- Tây Y
- 13:56 - 18/08/2018
Chi phí cho các thủ tục đầu tư xây dựng gây nhiều tốn kém nhất cho doanh nghiệp.
Ngày 17/8, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC 2018 (chỉ số APCI 2018).
Chỉ số APCI 2018 là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà DN và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định hiện hành đối với 8 nhóm TTHC quan trọng. Đó là nhóm TTHC khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường và xây dựng.
Đây là năm đầu tiên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC thực hiện điều tra trên cả nước để xây dựng chỉ số APCI. Kết quả điều tra dựa trên chia sẻ thông tin của hơn 3.000 DN đã thực hiện một trong 8 nhóm TTHC tại 63 tỉnh, thành phố trong 6 tháng cuối năm 2017.
APCI 2018 được xây dựng nhằm đánh giá chi phí tuân thủ của DN để thực hiện các TTHC tại các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó xác định những nhóm TTHC đã và đang là gánh nặng về chi phí của DN.
Chỉ số này gồm 2 chỉ số thành phần, phản ánh 2 loại chi phí chủ yếu mà DN sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC: chi phí thời gian và chi phí trực tiếp mà DN phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện thủ tục.
Kết quả khảo sát cho thấy 2 trong số 3 nhóm thủ tục có mức chi phí tuân thủ thấp nhất là nhóm thuế và hải quan của Bộ Tài chính.
Cụ thể nhóm TTHC thuế có chi phí tuân thủ thấp nhất là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của DN cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này chỉ là 2,9 giờ làm việc.
Kế đến là nhóm thủ tục khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh của Bộ KH&ĐT đứng thứ hai trong bảng xếp hạng với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,5 giờ làm việc.
4 nhóm TTHC đất đai, đầu tư, môi trường và xây dựng có quan hệ mật thiết với nhau trong việc đầu tư xây dựng dự án có sử dụng đất của một DN đứng ở nửa cuối của bảng xếp hạng.
Trong đó, đứng chót bảng là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng, dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018.
Nhóm thủ tục xây dựng đắt đỏ bậc nhất trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), chi phí tuân thủ của thủ tục xây dựng là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp.
Mặc dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên “đắt đỏ” bậc nhất.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng chi phí trung bình trong cả nước của một TTHC nhóm xây dựng là 64,1 triệu đồng. Tuy nhiên, ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, chi phí này lên tới 146,7 triệu đồng, gấp gần 2,3 lần so với mức chi phí trung bình trên cả nước. Trong khi đó, chi phí tuân thủ ở khu vực phía Nam lại chỉ tương đương 20% mặt bằng chung cả nước (12,6 triệu đồng).
Khi xét đến từng địa phương cụ thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức chi phí tuân thủ trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí tuân thủ nhỏ nhất 20,5 lần.
Sự khác biệt về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giữa các vùng miền, địa phương và tỉnh thành chủ yếu là do cách thức tổ chức thực hiện và hành vi của các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương.
Do đặc điểm về yêu cầu áp dụng thống nhất các quy định pháp luật, những cải tiến trong quy trình, cách thức thực hiện thủ tục ở các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính sẽ có tác động ngay tới việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính tại các địa phương.
Ví dụ, cùng một quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh nhưng chi phí tuân thủ của một doanh nghiệp ở Bắc Ninh khi thực hiện những thủ tục này lại có thể chỉ bằng 1/11 chi phí tuân thủ ở một tỉnh khác.
Kết quả APCI 2018 đưa ra chỉ dấu rằng dư địa để tất cả các nhóm thủ tục cải thiện thông qua việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính ở cấp địa phương, từ đó giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (và của cả cơ quan nhà nước) là rất lớn.