THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:15

Cắt giảm thủ tục hành chính: Cần thực chất, tránh bệnh thành tích

 

Cải cách nhưng không đồng đều

Ngay trong những ngày đầu của quý II/2018, nhiều bộ, ngành đã công bố cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Cụ thể,  Bộ Y tế sẽ cắt giảm 1.151 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 68,51%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm 131 điều kiện kinh doanh, đạt trên 76%. Bộ Giao thông vận tải công bố cắt giảm 384 điều kiện kinh doanh, tương đương 67%... Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng vừa ký quyết định bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh…

Đánh giá về việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, không chỉ công bố cắt giảm điều kiện kinh doanh đúng hạn mà tỷ lệ cắt giảm đều vượt khá nhiều so với mức tối thiểu 50% mà Chính phủ đưa ra.

“Đây là nét nổi bật và là động thái tích cực của các bộ ngành trong thời gian qua. Điều này thể hiện tín hiệu rõ ràng về sự chuyển động của các bộ, ngành trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân”, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ.

Theo ông Tuấn, việc công bố rộng rãi cho cộng đồng xã hội biết phương án cắt giảm cũng là nỗ lực lớn thể hiện bước đi công khai, dân chủ của các bộ, ngành. Bởi khi công bố như vậy, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, người dân có thể giám sát quá trình sửa đổi. Qua đó, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm thông tin để các bộ ngành có phương án cắt giảm tiếp những điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp chưa hài lòng. Bởi để cắt giảm những điều kiện kinh doanh này không hề đơn giản, cắt bỏ thủ tục tức là các bộ ngành phải nhận cái khó về mình mà không thể đẩy cái khó cho doanh nghiệp, người dân như trước đây nữa.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, thời gian qua, các Bộ, ngành đã vào cuộc tích cực hơn trong việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, tiến triển cải cách không đồng đều. Sự chậm trễ, thiếu quyết liệt vẫn còn ở nhiều Bộ, ngành.

Theo bà Thảo, hàng năm, ở nước ta có khoảng 10 bộ luật được thông qua, khoảng 100 nghị định được ban hành, và có đến 600 -700 thông tư được ra đời. Luật và nghị định thì ít thay đổi, nhưng thông tư thì thay đổi liên tục, đem lại rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Và với các doanh nghiệp có kinh doanh những ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì luôn sợ “giấy phép con”. Giấy phép conđã trở thành một rào cản vô hình cho sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

 “Một số điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh. Những quy định như vậy đã và đang tạo ra nhiều rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không khuyến khích sáng tạo, hạn chế cạnh tranh, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội”- bà Thảo chỉ rõ.

 

Cắt giảm thủ tục  hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngươi dân và doanh nghiệp

 

Cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính mới

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bản chất điều kiện kinh doanh là không xấu, vì thực tế, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có những công cụ quản lý những ngành nghề kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định, và doanh nghiệp cũng cần phải kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật. Nhưng có một thực tế là với những quy định của luật hiện hành, cụ thể là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, cùng những luật khác có liên quan, thì doanh nghiệp đang lại bị gây khó dễ, thậm chí rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” với vô vàn đòi hỏi từ các giấy phép con. Bên cạnh đó, có nhiều điều kiện kinh doanh  được quy định không rõ ràng, chung chung, khó xác định, kiểu ai muốn hiểu thế nào thì hiểu như: “phải phù hợp”, “phải đủ”, “ phải sạch sẽ”, “ phải thoáng mát”, “ phải thuận tiện… và đặc biệt là có một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đã bị biến tướng thành điều kiện kinh doanh.

Do vậy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, điểm mấu chốt là các Bộ, cơ quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa trong công tác hoàn thiện thể chế, bảo đảm đúng tiến độ, thời gian và tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cần đi vào thực chất, không cắt giảm hình thức, không gom nhiều điều kiện kinh doanh lại làm một, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ để “bẫy” doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, để đạt hiệu quả cao thì việc cắt giảm các thủ tục cần hướng đến thực chất, làm sao cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi nhất chứ không phải cắt giảm theo thành tích. Các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng nên tham gia sâu vào quá trình này.

Về lâu dài, trong quá trình soạn thảo thông tư, nghị định, luật cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ biên bản ra thủ tục hành chính mới. Đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải tiến hành thận trọng qua nhiều bước tham vấn, quan sát chặt chẽ và cần có cơ quan thẩm định độc lập thì mới ngăn chặn được tình trạng ra các điều kiện kinh doanh mới không phù hợp.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ ngành không nên giao cho các vụ, cục vốn đang thực hiện cấp phép tiến hành chủ trì các chương trình rà soát, ban hành văn bản và cắt giảm. Bởi kinh nghiệm đến thực tiễn cho thấy, đơn vị nào đang được quyền cấp phép, bằng cách này hay cách khác luôn tìm cách giữ lại tư duy cấp phép hay giữ lại điều kiện kinh doanh. Trong từng bộ, ngành cụ thể, việc chủ trì chương trình cắt giảm nên giao cho những đơn vị độc lập, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hay cấp phép, có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, bền vững.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh