THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:58

Chị em công sở chi mâm cỗ gần chục triệu 'đãi' ông Công ông Táo

 

Một trong những thực đơn được nhiều chị em chọn đặt ngày ông Công ông Táo tại cơ sở nấu cỗ của chị Minh Hiền.

 

Từ ngày 16 tháng Chạp âm lịch, nhiều cơ sở nhận làm cỗ trọn gói cho biết, lượng khách đăng ký cỗ dịp ông Công ông Táo đã quá tải. Chủ cơ sở không thể nhận thêm đơn hàng.

'Nhiều đơn hàng vốn của khách quen nhưng vì đặt muộn nên chúng tôi cũng không thể bố trí được công việc, đành phải cáo lỗi với khách', chị Hoàng Minh Hiền, chủ một cơ sở nấu cỗ ở Hà Nội, cho biết.

Theo lời chị Hiền, hầu hết các đơn hàng đều được chốt trước ngày 18 tháng Chạp. Ngày 21 và 22 tháng Chạp năm nay là thứ Bảy, Chủ nhật nên lượng khách tăng đột biến. Cơ sở của chị phải dừng nhận đơn của hai ngày này từ lâu.

"Thông thường vào ngày cuối tuần, số lượng mâm cỗ đặt tại cơ sở chỉ khoảng 20-30 mâm. Nhưng riêng hai ngày 21, 22 tháng Chạp, số đơn hàng đã gần 70 mâm/ngày", chị Hiền tiết lộ.

Thực đơn được lựa chọn trong dịp cúng ông Công ông Táo năm nay vẫn là các món ăn truyền thống như: Xôi gấc, bánh chưng, gà buộc cánh tiên, tôm, nem, canh măng, canh bóng, giò thủ... Người cẩn thận hơn thì yêu cầu làm cả thủ lợn, mâm xôi để tiễn ông Công ông Táo về trời.

"Thực đơn mâm cỗ truyền thống có giá từ 1,4 triệu đồng/mâm/9 món. Những mâm yêu cầu đặc biệt hoặc món ăn xa xỉ hơn giá thành cũng cao hơn", chị Hiền nói.

 

Theo chị Minh Hiền, trong các mâm cỗ cúng truyền thống thường có gà cánh tiên. Ảnh: VietNamNet

 

Anh Nguyễn Đức Dũng (SN 1991), chủ một cơ sở nấu cỗ ở huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng cho biết, trong ngày ông Công ông Táo, chị em công sở thường chọn đặt thực đơn là các mâm cỗ truyền thống.

Tuy vậy, vẫn có nhiều hộ gia đình chơi sang, đặt cỗ toàn hải sản hoặc các thực phẩm đặc biệt như ba ba, sâm cầm, nhím, tôm mũ ni, ngỗng, gà Đông tảo...

‘Một mâm tiệc ba ba, sâm cầm như vậy có giá trên dưới 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, có hộ gia đình còn đặt 5 mâm cỗ vịt trời. Giá trị mỗi mâm là 7 triệu đồng (chưa bao gồm đồ uống)’, anh Dũng nói.

 

 Mâm cỗ truyền thống được nhiều chị em thích thú. Ảnh: Thi Vũ

 

'Yến tiệc cung đình' lên bàn nhà đại gia ngày 23 tháng Chạp

Từ xưa, nem công - chả phượng là món ăn chỉ dành cho vua chúa và các bữa yến tiệc.

Nói về món ăn này, nghệ nhân ẩm thực ưu tú quốc gia Ánh Tuyết từng dùng từ “nhất phẩm’.

Theo bà, đầu chim công - phượng được làm bằng củ cải, mào làm bằng cà rốt, mỏ làm bằng ớt đỏ và phần thân được làm từ những thực phẩm trang trí rất bắt mắt. Lọn nem (các phần tạo ra thân công) được chế biến từ thịt công. Món chả được làm từ thịt chim trĩ đỏ.

Chính vì vậy, từ xa xưa, món ăn này vẫn được liệt vào hàng đắt đỏ, chỉ nhà có điều kiện mới sử dụng.

Dịp ông Công ông Táo năm nay, nhiều đại gia bất ngờ chơi sang, đặt món ăn này cho mâm cỗ cúng và tiệc của gia đình.

‘Chim công và chim trĩ được gia chủ chuẩn bị, chúng tôi chỉ việc chế biến. Tuy nhiên để món ăn đảm bảo thẩm mỹ và chất lượng đòi hỏi người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, đặc biệt là khâu sơ chế. Nếu không thịt chim sẽ vị nát hoặc mất đi vị đặc trưng’, anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một cơ sở chế biến cỗ tại Thanh Trì, Hà Nội tiết lộ.

Theo anh Hùng, giá thành chim công, chim trĩ không hề rẻ. Do vậy một mâm cỗ bao gồm nem công, chả phượng, gà Đông Tảo và các món ăn truyền thống khác có giá trên 8 triệu đồng.

 

Món nem công chả phượng chế biến từ thịt heo, tôm nõn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Tuy vậy theo lời anh Hùng, để giảm chi phí, người dân có thể làm món nem công, chả phượng với nguyên liệu thịt chim được thay thế bằng thăn heo, tôm nõn. 

"Chất lượng của món ăn có thể không bằng nhưng hương vị ngọt thanh của tôm nõn, cà rốt... quyện cùng thịt heo, trứng gà vẫn làm nên hương vị đặc biệt của món ăn.

Sau đó chỉ cần khéo léo một chút trong bày trí, tạo hình chim công - phượng là có được món ăn đẹp dâng lên bàn thờ tổ tiên" anh Hùng nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh