THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:54

Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung

 

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các bộ ngành địa phương làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt tại miền Trung

Tại buổi làm việc,  Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, vụ việc cá chết bất thường trên diện rộng gây ra sự bất ổn trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác của ngư dân. Đặc biệt gây tâm lý hoang mang cho người dân trong việc tiếp tục sản xuất cũng như sử dụng sản phẩm hải sản ở khu vực này. Trước đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể bằng công điện yêu cầu các cơn quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kịp thời. Và sau đó cơ quan chức năng các Bộ cùng với địa phương cũng đã kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, mong muốn sớm có kết luận, khắc phục hậu quả tình trạng trên, giúp người dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, đây là lần đầu xảy ra một hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng, không phải thời gian dài. Chính vì thế, việc tập trung nghiên cứu nguyên nhân, khắc phục hậu quả của các cơ quan chuyên môn và địa phương tỏ ra rất bị động, lúng túng. Trong khi đó, khả năng nghiên cứu, trang thiết bị chúng ta rất hạn chế; hệ thống quan trắc thiếu..

Để sớm giúp người dân ổn định sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN - MT tiếp tục chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan như Bộ NN-PTNT, các cơ quan quản lý về môi trường (Cảnh sát môi trường); Bộ KH-CN khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân. Nếu nguyên nhân này do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chủ động gây ra, cố tình vi phạm pháp luật về BVMT, ảnh hưởng đến môi trường thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ một trường hợp nào. Nếu thấy mình chưa đủ khả năng xác định nguyên nhân thì chúng ta tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt bảo vệ môi trường biển. Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu, kiến nghị biện pháp hỗ trợ các địa phương  khôi phục sản xuất. Nếu địa phương nào thực hiện được thì để địa phương triển khai, cái nào cần Chính phủ hỗ trợ thì Chính phủ hỗ trợ. Trong khi chờ xác định nguyên nhân, đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn các địa phương sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó có cả nuôi trồng, khai thác và dịch vụ du lịch

Phó Thủ tướng  cũng yêu cầu UBND các tỉnh thống kê đúng, đầy đủ thiệt hại của các hộ sản xuất. Đồng thời, chủ động, kịp thời thăm hỏi bà con; hỗ trợ những gia đình khó khăn, hộ nghèo, thiệt hại nặng, không sản xuất được để bà con ổn định cuộc sống; nộ nào vay vốn ngân hàng đầu tư nhưng thiệt hại, không có khả năng thanh toán thì cần hỗ trợ trước; các địa phương tiếp tục phối hợp Bộ ngành Trung ương tìm nguyên nhân, xác định thời điểm nào an toàn hướng dẫn bà con tiếp tục sản xuất, khai thác.

Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh ven biển xảy ra hiện tượng cá chết bất thường tăng cường kiểm soát môi trường sản xuất; Yêu cầu các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trên địa bàn phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường; chấp hành nghiêm luật bảo vệ môi trường, nhất là các hoạt động sản xuất xả nước thải, khí thải ra môi trường, nguồn nước; các DN, tổ chức, cá nhân cũng phải chủ động phối hợp cơ quan điều tra, tự khai báo cáo hoạt động xả thải nếu có vi phạm; các cơ quan chức năng trên địa bàn cũng phải thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, nhất là cơ sở sản xuất quy mô lớn, có hệ thống thải khí, nước, tiếng ồn ra ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, lắp đặt hệ thống quan trắc tự đông nhưng phải nối mạng để kiểm soát 24/24h, có những chỗ quan trọng thì phải có hệ thống quan trắc độc lập.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan truyền thông rất có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin. Tuy nhiên, việc đưa tin phải chính xác, khách quan, khoa học, toàn diện, tránh gây hoang mang cho người dân, không gây thiệt hại cho người dân.

Được biết riêng thị xã Kỳ Anh nơi bị ảnh hưởng lớn nhất,  tính từ  ngày 06 đến 15/4 vớt được khoảng 10 tấn cá biển chết trôi vào bờ. Hiện nay vấn đề thị xã lo lắng là có hơn 2.000 ngư dân/564 tàu thuyền (trong đó, đánh bắt gần bờ 377 tàu). 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỏi Bộ TN-MT: Chất thải độc hại nếu xác định được họ đưa ra ngoài, mình bắt được quả tang thì rất là rõ rồi. Nhưng bây giờ làm thế nào xác định được trong nước biển có độc tố liên quan đến đơn vị A, B, C hay thậm chí có kẻ phá hoại. Vấn đề này Bộ TN-MT làm được không, hay cần phải thuê chuyên gia nước ngoài?. Thứ hai, hệ thống quan trắc của các nhà máy, cơ sở sản xuất của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế đã đầy đủ chưa, chính xác chưa, đã kiểm tra thường xuyên, đã nối mạng để cơ quan nhà nước quản lý, cung cấp chúng ta số liệu chính xác chưa?

 

Đại diện các bộ ngành và địa phương trình bày hướng khắc phục trước Phó Thủ tướng

Nguyễn Ngọc Vượng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh