Chỉ cho phép tối đa 250 xe được thông quan/ngày qua cửa khẩu Tân Thanh
- Huyệt vị
- 23:36 - 24/10/2019
Ngày 24/10, trao đổi với phóng viên Giaothong.vn, đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh (Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn) cho biết, mặc dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng tình trạng ùn ứ phương tiện vận chuyển nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh vẫn tái diễn.
Cụ thể, đến sáng nay (24/10), tại khu vực của khẩu vẫn còn khoảng 300 xe container bị ùn ứ qua đêm, chờ thông quan hàng hóa (giảm khoảng 200 xe so với những ngày trước).
Nguyên nhân là do, từ ngày 15/10 đến nay, các xe container xuất khẩu nông sản, nhất là thanh long từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu Tân Thanh làm thủ tục thông quan tăng đột biến. Nhiều thời điểm lên đến cả nghìn xe/ngày.
Trong khi đó, mỗi ngày lưu lượng xe xuất và nhập hàng hóa thông quan qua cửa khẩu này chỉ đạt khoảng 150 xe, dẫn đến ùn ứ, tắc nghẽn.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lạng Sơn và các bộ, ngành liên quan đã chủ động kết nối, cùng cơ quan chức năng nước bạn bàn cách tháo gỡ. Theo đó, phía Trung Quốc đã chấp thuận kéo dài thời gian thông quan từ 12 lên 15 giờ/ngày. Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra xe thông quan xuống chỉ còn 2 phút/xe (giảm hơn 3 lần so với trước) kể từ ngày 23/10.
Tuy vậy, cửa khẩu này cũng chỉ đáp ứng nhu cầu thông quan từ 230 đến 250 xe xuất, nhập khẩu hàng hóa/ngày. Tình trạng trên dẫn đến việc luôn có hàng trăm phương tiện dừng đỗ, ùn ứ kéo dài.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Văn Lãng và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu ứng trực 24/24h, phân luồng phương tiện, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường trong và ngoài cửa khẩu.
Về việc hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Quốc Hải cho hay, việc Trung Quốc siết các quy định quản lý về nhập khẩu không phải là chuyện mới. Mọi thông báo về chính sách đã được đưa ra trước đó; các bộ, ngành, cơ quan quản lý đã cảnh báo về việc này nhiều lần. Nhưng các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu không cập nhật chính sách đầy đủ.
"Bà con nông dân không sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường thì đừng sản xuất nữa. Không thể có chuyện hàng không đáp ứng được yêu cầu thị trường rồi lại đi kêu gọi giải cứu mãi. Làm thế bao giờ bà con tiến bộ trong sản xuất", ông Hải nói.