Chỉ 35% doanh nghiệp Việt Nam biết đến AEC
- Huyệt vị
- 00:00 - 14/12/2015
Diễn đàn có sự tham dự của các đại sứ quán Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.
Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về Kinh tế, Bộ Ngoại giao tổ chức, nhằm mục tiêu góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trở thành nhân tố tích cực của Châu Á.
Phát biểu tại chương trình “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, AEC sẽ không tạo ra cú sốc nào đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, vì các cam kết trong AEC tương đương như cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tương đối phù hợp với đường hướng và khung khổ chính sách của Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá, thời điểm tuyên bố về hình thành AEC kể từ ngày 1/1/2016 mới chỉ là điểm khởi đầu chưa phải là “điểm tới”. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội AEC mang lại, các DN Việt Nam cần bền bỉ nỗ lực chuẩn bị trong một thời gian dài và dường như cộng đồng DN các nước khác trong ASEAN đã có những bước tiến xa hơn Việt Nam khá nhiều.
Chủ tịch VCCI nhận định, bản chất AEC không có cơ cấu chặt chẽ, tương đối lỏng và không có sự tương thích nhiều. AEC là tiến trình hội nhập chứ không phải là Hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc của cộng đồng kinh tế ASEAN. Như vậy, AEC là một tiến trình và thật ra thời điểm 1/1/2016 là thời điểm tuyên bố hình thành AEC, là khởi đầu để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Nên để xây dựng được cộng đồng kinh tế như EU thì còn cần một thời gian dài nữa.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong số FTA thì sự cắt giảm thuế quan trong cộng đồng kinh tế ASEAN là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì sự cam kết cũng cao nhất.
Vụ trưởng Vụ ASEAN Nguyễn Hồng Cường cho rằng tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ đem đến cho Việt Nam cả thuận lợi và thách thức. Theo Vụ trưởng, về khía cạnh chính trị an ninh, Cộng đồng ASEAN sẽ duy trì hòa bình, an ninh và ổng định trong khu vực. Về kinh tế, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận những thị trường lớn trên thế giới thông qua các FTA. Ngoài ra, dưới con mắt của các nhà đầu tư toàn cầu ASEAN là một điểm đến hứa hẹn. Tuy nhiên, điều này dẫn đến yêu cầu nâng cao năng lực của nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng để không bị tụt lại trong quá trình cạnh tranh.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng đã đánh giá về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; đưa ra các giải pháp để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ AEC. Chương trình cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ được các chuyên gia giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về những cơ hội và thách thức mà AEC mang lại.
Trong khuôn khổ Chương trình, vào 16h00 chiều nay, các doanh nghiệp Việt Nam vinh dự có buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ và tham gia gala “Giao lưu văn hóa ASEAN”, được tổ chức tại Học viện Âm nhạc Việt Nam.