THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:41

Chế tài cho kẻ nịnh bợ (!)

 

Ảnh minh họa.

Cả gan mà thưa rằng, trong đời sống, đặc biệt là trong các cơ quan công quyền hiện nay, vấn nạn, căn bệnh này xem ra không nhẹ và không dễ chữa chút nào.

Gần đây, tại một cuộc họp của cơ quan nọ, trong khi trên diễn đàn, một nữ diễn giả say sưa trình bày tham luận của mình với nội dung báo cáo công tác cuối nhiệm kỳ, kèm theo những lời “đao to, búa nhớn”, như được rút ra từ gan ruột ngợi ca thành tích một số chức sắc trong cơ quan, bên dưới nghị trường nhiều quan khách nhếch miệng cười khỉnh, cười ruồi. Hỏi, tại sao lại tỏ thái độ “phản kháng” như vậy?. Một số vị cho rằng: Nghe quen tai rồi, trước mặt ai, bà ấy chả thế. Ca ngợi người ta, nhưng bà ta không biết mình đang khen, đang biểu dương cái gì. Nghe ong cả tai, vô tác dụng. Chỉ mấy ông thích nịnh, những kẻ cơ hội là sướng, là lợi thôi. Những lời nhạt hơn nước ốc của bà ta trở thành cái cớ cho đám lâu la, thuộc hạ của các vị ấy “tiền hô, hậu ủng”, tâng bốc chủ lên chín tầng mây.

Có lẽ thấm nhuần điều cha ông dạy: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nên nhiều người chọn giải pháp an toàn khi phát ngôn là khen, là tung hết cả kho “lời có cánh” cho thủ trưởng. Mặc cho đó chỉ là những lời sáo rỗng, bịa đặt, không thực chất, không thực lòng. Điều chua chát hơn, ngoài những kẻ bạ cái gì thấy thích là khen, thì còn rất nhiều kẻ trước mặt xum xoe, nịnh bợ, nhưng sau lưng lật mặt, nói xấu người vừa tâng bốc, miễn là có lợi cá nhân, bất chấp cộng đồng, bất chấp đạo lý.

Những lời khen ba vạ, không trung thực ấy đã tạo ra “vùng đất màu mỡ” cho nạn lừa trên, dối dưới sinh sôi, nẩy nở, lấn chen, phá vỡ những quy tắc, chuẩn mực của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, thái độ của những “người được khen” cũng có tác động không nhỏ. Ngoài một số người mù quáng tỏ ra hả hê, thích thú, không nhận ra “nọc độc” từ  những lời “ngọt như mía lùi”, vẫn còn đấy những người biết là giả dối, ngụy tạo, nhưng vẫn xuề xòa, dửng dưng đón nhận. Sự im lặng, việc không phản kháng càng làm cho “vi - rút” nịnh bợ phát tán, lây lan.

Chân lý là cụ thể. Điều ấy rất nhiều người biết, đặc biệt là những người có chức, có quyền, đối tượng mà những kẻ nịnh bợ, ton hót thường nhắm vào. Biết, tại sao vẫn còn đó đầy rẫy những lời khen sáo rỗng, nhạt nhẽo trên các nghị trường, trong các công đường?.

Chúng ta đã lên án, phê phán những phát ngôn sai sự thật, thậm chí xử lý hình sự, tại sao chưa có chế tài xử phạt những “lời có cánh”, những kiểu “khen nhau mà lại bằng mười hại nhau”?.

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh