THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:12

Chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp người lao động cần biết

Được cộng dồn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp 

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Khi người lao động đi làm ở nhiều nơi,  thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

“ Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Do vậy, dù người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không liên tục do chuyển nhiều nơi làm việc thì người lao động vẫn sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thời gian mà mình đã tham gia nếu chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo khoản 5, khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp và khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm 2013, trường hợp đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa nhận tiền hoặc chưa nhận đủ tiền trợ cấp mà còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng sẽ được cộng dồn để tính cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Một trong những điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp đó là phải đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm 2013:

“ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này”

Trong đó, điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm quy định về hợp đồng lao động có thời hạn và không xác định, còn điểm c khoản 1 Điều này quy định về hợp đồng theo mùa vụ (hợp đồng này đã bị xóa bỏ bởi Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ 01/01/2021).

Vì vậy, hiện nay, người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chỉ cần có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ được tính thời gian hưởng trợ cấp như sau:

- Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng: Được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.

- Sau đó: Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì tính thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp.

- Thời gian tối đa hưởng trợ cấp: 12 tháng.

Căn cứ: Điều 50 Luật Việc làm năm 2013.

Lưu ý: Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp có tháng lẻ không đủ năm thì số tháng lẻ đó sẽ được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo (căn cứ điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Ví dụ: Anh A có 4 năm 02 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Với thời gian đóng như vậy, anh A sẽ được tính hưởng 04 tháng trợ cấp thất nghiệp, 02 tháng lẻ còn lại sẽ được bảo lưu trong quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp để tính cho lần hưởng sau.

Sau khi hưởng hết 04 tháng trợ cấp thất nghiệp, anh A tiếp tục đi làm và đóng thêm 11 bảo hiểm bảo hiểm thất nghiệp rồi nghỉ việc. Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh A khi đó sẽ được tính là 13 tháng. Nếu đáp ứng các điều kiện khác, ông A sẽ được tính hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.

BẢO NGỌC

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh