THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:33

Châu Âu – những góc nhìn

 

Nhà thờ Thánh Tâm nằm trên đồi Montmartre nổi tiếng của nước Pháp.

 

1. Tiếng là sống giữa Sài Gòn phồn hoa và văn minh nhất nước, cũng nhiều lần ra khỏi biên giới Việt Nam với phong thái hoàn toàn tự tin, thế mà lần đầu bước chân đến châu Âu tôi mới biết mình đúng là kẻ nhà quê khổng lồ. Bất cứ cái gì ở châu Âu, từ dáng người thanh thoát, những sải chân nhanh nhẹn, vội vã trên phố, từ những góc nhỏ sạch tinh, những con đường lát đá sáng bóng theo thời gian, những dãy nhà cao ngất lặng im nối dài như bất tận, cho đến những cung điện, nhà thờ sừng sững… cái gì cũng khiến tôi mê mẩn.

  Hơn hai tuần, “chạy” được tám nước, có thể coi đây là một thành tích không nhỏ của thú “cưỡi ngựa xem hoa”. Không phải nhóm của tôi không thích la cà, lang thang cho thỏa cái chí tò mò của những người “thợ” chữ mà vì cái tội… tham. Khi xin được visa qua Pháp, có nghĩa là bạn đã có visa Schengen và có thể tự do đi lại tới 26 nước ở châu Âu. Nên, tất nhiên phải tranh thủ thôi. Hôm đầu bước xuống sân bay Pháp, cả hội háo hức lắm. Thời tiết được dự báo là khoảng 18,19 độ. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 đang là mùa xuân ở Pháp, được coi là mùa đẹp nhất trong năm. Nhận phòng, cả hội vội vàng xuống  phố ngắm “Paris by night”. Lạ thật, 20 giờ địa phương, cả thành phố Paris vẫn tràn ngập nắng. Đi được 2 cây số, chúng tôi hỏi cách đi tới tháp Eiffel, một chàng trai Pháp, có gương mặt đẹp như tranh vẽ, chỉ chúng tôi cách đi về phía Metro (tàu điện ngầm). Ở Pháp và các nước châu Âu, phương tiện giao thông công cộng luôn được khuyến khích nên chỉ cần đi vài con phố là bạn có thể tìm thấy bến tàu Metro hoặc xe bus. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đúng tuyến đi về hướng chân tháp Eiffel, mong kịp đến giờ tháp lên đèn. Không biết là đi được bao nhiêu cây số vì ở bên này, tàu Metro thường đi với tốc độ 300-400km/giờ là bình thường. 21 giờ kém, thành phố Paris vẫn còn chút nắng nhưng nhạt hơn. Còn nắng là đúng rồi, vì châu Âu khi bước vào mùa hè (khoảng từ tháng 6 đến tháng 10) là tháng của những ngày đêm trắng, có những ngày trong năm, hầu như không có đêm. Cũng biết chút qua sách vở nhưng khi thực sự chứng kiến đêm cận trắng ở châu Âu cảm giác thật lạ. 

Những người nghệ sỹ này góp cho đường phố Châu Âu thêm lãng mạn .

 

2.Đoàn của tôi có một anh đã từng học bên Tiệp (Cộng hòa Séc) cách đây gần 20 chục năm và một anh cũng đến châu Âu lần này là lần thứ 3 nhưng xem ra cũng ngơ ngác như tôi. Không phải vì Châu Âu có tốc độ đổi thay đến chóng mặt mà bởi vì châu lục này quá rộng lớn. Chỉ một ví dụ nhỏ, nếu bạn đến Đức trong vòng 1 tuần có thể chưa đi hết được một thành phố Munich (trung tâm hành chính của bang Bavaria), chứ chưa nói gì đến được thủ đô Berlin và các thành phố to lớn khác của nước Đức. Trong ba nước Đông Âu mà chúng tôi đến (Áo, Cộng hòa Séc, Bungari) thì Séc khiến mọi người rơi vào trạng thái choáng ngợp vì những công trình kiến trúc vĩ đại. Nhưng Séc cũng là “thằng” khá kiêu kỳ, không sử dụng đồng tiền chung Euro mà dùng tiền Kurona, tiền riêng của đất nước họ. Cũng hơi bất tiện vì muốn mua sắm gì bạn phải đổi tiền, hoặc quẹt thẻ visa card. Vì chỉ có điều kiện “cưỡi ngựa xem hoa” nên những ngóc ngách nhỏ làm nên văn hóa Châu Âu chưa có dịp khám phá nhưng cũng cho tôi có một cái nhìn tổng thể về kiến trúc đặc trưng của hầu hết các nước. Đó là lối kiến trúc rất cổ. Chỉ cần để ý một chút, sẽ thấy chủ yếu chỉ có hai dạng kiến trúc đặc trưng, khá khác biệt và dễ nhận thấy. Những mái nhà vòm cong, tròn chính là kiến trúc Roman và kiểu mái nhọn chọc trời chính là kiến trúc Gothic (gô tíc). Roman là phong cách kiến trúc của các vùng TrungTây Âu vào khoảng thế kỷ 11 và 12. Phong cách Gothic ra đời muộn hơn và có sức ảnh hưởng khá lớn, trên diện rộng và kéo dài đến tận thế kỷ 20, thể hiện rõ nhất qua  các công trình đặc trưng như nhà thờ, thánh đường, trường học... Khá nhiều những công trình theo phong cách này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới như: Nhà thờ Milan, tòa thành Phero (Ý), nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp)… Nhưng dù là Gothic hay Ronman thì trong mắt tôi, công trình nào cũng đồ sộ, độc đáo và mê hoặc cả. Trong những công trình khổng lồ là những đường nét tỉ mỉ, tinh tế và thời gian càng trôi thì nó đều có giá trị bởi sự tồn tại gần như là vĩnh cửu.


3. Ở châu Âu có một “vấn đề” không nhỏ bạn cần phải lưu tâm, đó là sự tĩnh lặng đôi khi đến buồn tẻ. Với thói quen sôi nổi, ồn ào như người Việt Nam rất có khả năng bạn làm những người xung quanh khó chịu nếu ở những nơi công cộng như nhà hàng, trung tâm mua sắm và thậm chí ngay cả khu vực vệ sinh. Khi vào những nhà hàng tương đối sang trọng, bạn sẽ chỉ nghe  tiếng nhạc thật nhẹ, tiếng nói thật “vừa đủ nghe”, tiếng lách cách của muỗng nĩa cũng êm tai đến dễ chịu. Nhiều lần đứng chờ ở khu vực vệ sinh công cộng, nơi mà người ta chỉ vào đó để “làm mỗi việc ấy” rồi ra cho nhanh, thế mà vẫn có những tiếng chuyện trò rôm rả, thậm chí “tám chuyện” trên trời dưới bể, chuyện chồng vợ con cái…. của “các bạn người Việt” trong lúc đang chờ đến lượt mình. Còn nhớ ngày cuối cùng trước khi lên máy bay về Việt Nam, đang dạo quanh các khu mua sắm ở sân bay Charles de Gaulle Paris, tôi bỗng giật mình bởi tiếng cười nói rất to của mấy anh “quê mình”. Họ đang bàn luận, cười nói về việc mua gì về làm quà và họ đang thu hút rất nhiều những ánh nhìn đến từ các quốc gia khác nhau. Tôi bỗng thấy buồn và ngượng. Và trong suốt chuyến đi, tôi để ý hễ cứ đám đông nào ồn ào, nói lớn y như đó là “Chinese or Vietnamese” chính hãng.

4. Phong cách của người châu Âu rất khác, thời gian của họ là vàng ngọc và được phân chia rất rõ ràng: Làm việc và hưởng thụ cuộc sống. Họ sẽ làm việc hết mình, vô cùng vất vả trong nguyên một năm hoặc có thể hơn để kiếm sống và những gì họ đã bỏ ra họ hưởng thụ bằng những chuyến du lịch hoặc theo cách riêng của mình. Vì vậy, nếu không quen bạn sẽ thấy châu Âu rất buồn, hoàn toàn không có hình ảnh những quán nhậu, quán ăn vỉa hè ngập bia và người những buổi chiều sau giờ tan sở. Thường khi vội, họ sẽ dùng những thực phẩm ăn nhanh (fastfood) cho bữa ăn, và khi đã bước vào nhà hàng sẽ có nghĩa là bạn đang “relax” (thư giãn) thực sự. Và nếu bạn đang rảnh rỗi thì đừng nôn nóng nếu nhà hàng không nhanh như bạn muốn. Nhiều lần “tự thưởng” cho bản thân những bữa ăn sang, đoàn chúng tôi cũng phát khổ vì chờ đợi. Đôi lúc không chịu nổi, một vài người trong đoàn lên tiếng, họ tươi cười nhưng trong mắt thì không mấy hài lòng rằng: “Bạn phải đợi và đừng vội vì còn nhiều người khác chưa đến lượt”. Sau này, gặp mấy người bạn đã sinh sống lâu năm ở nước ngoài, các bạn ấy cho biết, bên này nếu vào nhà hàng mà bạn giục chuyện ăn uống, bạn sẽ bị coi là người không lịch sự.

5. Trong suốt chuyến đi, tôi đặc biệt ấn tượng với những nghệ sỹ đường phố. châu Âu luôn đẹp và lãng mạn nhưng sẽ trở nên huyền diệu hơn rất nhiều khi bất chợt ta gặp một chàng trai đang gẩy ghi ta trên đường dẫn vào tàu điện ngầm, một chiếc violon dưới cằm của một chàng trai trẻ hay một nhóm nhạc trên đường phố, quảng trường… Âm nhạc đường phố cứ níu chân khách bộ hành và làm tan biến những âu lo của cuộc sống thường nhật. Thường dưới chân họ sẽ là một cái vỏ đàn, hay một cái túi nhỏ rất lịch sự trong đó có những chiếc băng đĩa của chính họ thu lại. Mọi người có thể lắng nghe, thưởng thức, ủng hộ những nghệ sỹ đường phố ấy bằng cách mua băng đĩa hoặc thả vài đồng lẻ vào đó. Cái cách kiếm tiền của họ thật hồn nhiên và chân chính, không một chút sỹ diện, e dè nhưng điều mà họ mang lại cho họ xã hội lại vô cùng lớn, đó là mở toang cánh cửa trái tim thông qua tiếng nói của âm nhạc, nó giúp con người ta trở nên gần nhau hơn và thánh thiện hơn.

Người đàn ông này có thể đứng cả ngày vì nghệ thuật và vì cuộc sống

 

6. Ra nước ngoài, đơn giản chỉ như đất nước Singapore thôi, bạn cũng bắt buộc phải theo phong cách của họ đó là: Văn hóa xếp hàng. Dù ở trong siêu thị, trước quầy mua đồ ăn, xuống tàu điện ngầm, vào khu vực sệ sinh, khu vực hỏi thông tin… bất cứ chỗ nào bạn cũng bắt buộc phải xếp hàng. Đường phố châu Âu hầu như không thấy cảnh kẹt xe nhưng nếu có nhiều xe cộ qua lại thì ta cũng thấy đó là một trật tự của hàng xe hoặc dòng người, không có cảnh chen lấn, len lỏi như phố phường của ta, đơn giản vì họ phải xếp hàng. Tôi nghĩ đó là một phong cách của một đất nước văn minh mà ta rất nên phải học.

7. Có một điều nữa bạn cũng nên biết đó là ở châu Âu có thể uống nước trực từ vòi ngoài công viên, hay trong nhà bếp. Ngày đầu mới sang, chúng tôi mất kha khá tiền mua nước suối và rất ngạc nhiên vì thấy người dân không ai đun nước sôi để dùng cả. Theo tiêu chuẩn châu Âu, cách đây 60 năm, nước từ vòi nước của thủy cục đã phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và vi sinh cho phép người sử dụng uống trực tiếp khi lấy thẳng từ vòi nước.

Nhìn về châu Âu với những góc nhỏ, hy vọng góp cho bạn đọc chút thông tin về “trời Âu” xa lắc mà không phải ai cũng có điều kiện ghé chân


Đinh Hoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh