CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:07

Chất tạo nạc mới có khả năng gây ung thư

 

Chiều 20/10, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, khẳng định: “Bộ NN&PTNT sau khi họp thống nhất lần cuối vào tháng 11 tới đây sẽ đưa chất cysteamine vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi”.

Chưa có trong danh mục cấm sử dụng

Theo ông Việt, chất cysteamine là một chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng và tạo nạc mới được sử dụng trong nuôi heo gần đây. Tuy hiện nay nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng chất này là Mỹ, EU nhưng một số nước không cấm, trong đó có Việt Nam. Nói về tác hại của nó, ông Việt cho biết trong chăn nuôi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các nhà khoa học và nhà quản lý.

Đến thời điểm hiện nay, Thanh tra Bộ NN&PTNT sau nhiều đợt tiến hành thanh tra các nhà máy thức ăn chăn nuôi và trang trại chăn nuôi đã phát hiện chất tạo nạc, tăng trọng cho heo mới là cysteamine được sử dụng thay thế salbutamol. “Chất này liệu có những tác động gây ảnh hưởng sức khỏe cho con người?”. Ông Việt nhận định việc tác động là có, tuy nhiên mức độ đến đâu Bộ NN&PTNT vẫn chờ kết quả công bố của các nhà khoa học và cơ quan có thẩm quyền.

Chánh Thanh tra Việt cho hay loại chất tạo nạc mới này có nguồn gốc từ Trung Quốc và đang được sử dụng phổ biến. Gần đây Thanh tra Bộ NN&PTNT liên tục phát hiện tình trạng các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và cả người nuôi sử dụng cysteamine.

Theo một chuyên gia về nông nghiệp, hiện nay cysteamine đã bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi và không có trong danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Nhiều tổ chức thú y ở các nước trên thế giới khuyến cáo không dùng cysteamine trong chăn nuôi đại trà, thương mại.

 

Heo được nuôi bằng thức ăn có chất tăng trọng, tạo nạc cysteamine tại một hộ gia đình ở TP.HCM. Ảnh: TN

 

Chưa cấm nên không thể xử phạt

Theo khảo sát của PV báo Pháp Luật TP.HCM, hiện tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn TP.HCM vẫn vô tư sử dụng chất cysteamine do chưa có quy định cấm.

Bà Năm (huyện Hóc Môn) cho biết đàn heo 40 con của bà mỗi ngày được cho ăn thực phẩm do mối quen cung cấp. “Người giao cam kết trong thành phần thực phẩm dành cho heo không có chất tạo nạc thuộc nhóm B-agonist như salbutamol. Khi tôi gặng hỏi thì người này cho biết trong thức ăn cho heo có chứa chất cysteamine, tác dụng tương tự salbutamol” - bà Năm nói.

Tương tự, ông Thành (Bình Chánh) ngạc nhiên khi thấy đàn heo 50 con trong chuồng có tướng tá hệt như được vỗ béo bằng chất tăng trọng salbutamol. “Tôi hỏi nhà cung cấp thức ăn cho heo, họ cho biết có cho tiền cũng không dám sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, nhà cung cấp thức ăn cho heo thừa nhận trong thành phần có cysteamine nhưng chất này hiện không bị cấm” - ông Thành nói.

Một cán bộ thú y trên địa bàn huyện ngoại thành TP.HCM cho biết khi phát hiện heo nghi ngờ có sử dụng chất tăng trọng thì chỉ lấy nước tiểu để phân tích chất cấm thuộc nhóm B-agonist. “Do chưa có văn bản quy định cysteamine là chất cấm trong chăn nuôi heo nên trạm thú y huyện không thể lấy mẫu nước tiểu phân tích chất cysteamine” - vị này nói.

Liên quan đến thực trạng sử dụng chất cysteamine trong nuôi heo, ngày 20/10, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết hiện chưa có quy định cấm sử dụng chất cysteamine nên cơ quan thú y TP.HCM không thể xử phạt.

“Điều đáng nói là thực trạng sử dụng chất cysteamine đã được báo động từ đầu năm 2016 nhưng cơ quan chức năng phản ứng quá chậm. Ngay cả quy trình kiểm tra và phát hiện chất cysteamine trong chăn nuôi và trên thịt heo cũng chưa được ban hành nên cơ quan thú y TP.HCM cũng chưa thể kiểm tra và xử lý” - ông Thảo băn khoăn.

Ông Thảo cho biết thêm, TP.HCM đang xây dựng phương pháp chuẩn trong công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý việc sử dụng chất cysteamine trong nuôi heo và sẽ trình cơ quan thẩm quyền để lấy ý kiến. Khi nào có hướng dẫn cụ thể thì cơ quan thú y TP.HCM mới có thể tiến hành kiểm tra và xử phạt.

 

Có thể nguy hại đến sức khỏe

GS-TS Vũ Duy Giảng, chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi, cho biết cysteamine còn có các tên gọi khác như aminoethanethiol, thioethanolamine… là một hợp chất hóa học thường được sử dụng dưới dạng muối hydrochloride. Đây là một chất có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hoóc-môn tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi.

Trong y học, từ lâu cysteamine được sử dụng để điều trị một số bệnh về thận, cơ, tuyến giáp, não và mắt. Gần đây cysteamine được sử dụng để điều trị những bệnh dị ứng, rối loạn suy giảm thần kinh do di truyền trong các bệnh Huntington và Parkinson. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên động vật cho rằng liều cao cysteamine là nguyên nhân loét tá tràng, hoại tử vỏ thượng thận và di tật thai nhi. Người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt, suy yếu hệ thống miễn dịch…

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT), cho biết trong các cuộc thanh tra gần đây, thanh tra phát hiện chất cysteamine được sử dụng tràn lan tại nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Sơn La, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương... Đặc biệt, thanh tra phát hiện một công ty ở Hà Nam chỉ trong ít tháng đã nhập khẩu bảy tấn cysteamine. “Giá trên thị trường chất này chênh lệch theo vùng 4-5,5 triệu đồng cho một gói 25 kg. Thậm chí có nơi giá lên tới 6,5-10 triệu đồng/gói 25 kg. Đây là chất đang bán rất chạy, thậm chí còn cháy hàng vì nhiều người tìm mua sử dụng trong chăn nuôi” - ông Dũng nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh