Chất lượng nhân lực - “Điểm nghẽn” của thị trường lao động
- Bài thuốc hay
- 09:35 - 29/09/2022
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Chất lượng việc làm được nâng lên, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện…
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, thị trường lao động ở nước ta vẫn còn bộc lộ những điểm yếu. Đáng chú ý, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN.
Theo Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), trên thực tế, lực lượng lao động tại Việt Nam có kỹ năng thấp. Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp 103/141 quốc gia về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại; thứ 116 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp. Vì độ vênh lớn giữa yêu cầu công việc và năng lực, kỹ năng của người lao động khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng.
Theo khảo sát kỹ năng và doanh nghiệp của WB năm 2019 với các doanh nghiệp Việt Nam, 73% doanh nghiệp khảo sát gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng quản lý và lãnh đạo; 68% gặp khó khăn khi tuyển lao động có chuyên môn kỹ thuật; 54% gặp khó khăn khi tuyển lao động có kỹ năng cảm xúc xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Sơn đại diện Manpower tại Việt Nam cũng cho biết, theo một khảo sát của Manpower, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao. Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động Việt Nam còn thấp.
Từ thực tế trên, 4 nhiệm vụ trước mắt, 7 giải pháp trước mắt và lâu dài đã được ngành LĐ-TB&XH đưa ra nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động. Trong đó có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động.
Cụ thể, giải pháp trước mắt đáng chú ý là cần khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực cũng như rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối…
Đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.
Ngoài ra, cần phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao…