THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:57

Chất lượng nhân lực - rào cản thu hút FDI

 

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp ngày càng tăng.

 

Các chuyên gia tham dự hội thảo nhận định: Sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 đang là thách thức hiện hữu đối với lao động Việt Nam. Để chủ động thích ứng và hóa giải thách thức, việc xác định lại mô hình đào tạo nghề cần được cấp thiết tiến hành. Song song với việc nâng cao chất lượng lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo “những gì thị trường cần”. Với mô hình này, việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung.

Nhấn mạnh nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khuyến cáo: “VCCI khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp làm việc với cơ sở dạy nghề để các doanh nghiệp tham gia vào đây không chỉ với vai trò là người đặt hàng mà còn là nhà đầu tư, tham gia soạn thảo giáo trình đào tạo, người kiểm định chất lượng đào tạo và là người tuyển dụng lao động”.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2018 của Ngân hàng Phát triển Châu Á mới đây cũng chỉ ra rằng, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung ở Việt Nam. Khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp, khoảng 70 - 80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

“Đáng lo ngại, không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, các lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Với thực trạng như vậy, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến - chế tạo, ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này lên đến 40 - 60%. Đây là một thách thức không nhỏ đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ”, ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Cty Amway Việt Nam nói.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione lại quan ngại: “Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã lên tới đỉnh điểm và đang giảm. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ 5 người thì có 1 người cao tuổi. Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn..."

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: CMCN4.0 làm thay đổi cách thức sản xuất, hình thức sở hữu và quản trị của các nền kinh tế. Trong đó có xuất hiện các ngành, nghề mới. Tuy nhiên, tác động lớn nhất của cuộc cách mạng cũng đe doạ đến hàng triệu việc làm sẽ bị mất đi. “Điều này đòi hỏi các nền kinh tế phải có sự ứng phó kịp thời. Trong đó lựa chọn hướng đi về phát triển bền vững vào đào tạo nguồn lao động có nguy cơ bị thay thế bằng người máy, với những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc mới. Theo đó việc đào tạo người lao động hướng đến những kỹ năng ngày càng cao, sử dụng kỹ thuật, máy móc công nghệ cao”, ông  Kamal Malhotra khuyến nghị.

Cũng theo ông Kamal, hiện ở một số nước trên thế giới họ đã đánh thuế vào việc sử dụng người máy để giảm thiểu việc sử dụng lao động robot, để giữ việc làm cho người lao động.

THÀNH CÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh