Có 30% cán bộ, công chức chỉ biết "cắp ô", vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đúng hay sai?
- Văn hóa - Giải trí
- 15:21 - 16/06/2016
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi đánh giá về chất lượng công chức, lúc đương là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc có nói: Đội ngũ công chức của ta hiện nay chỉ có 30% đáp ứng được nhu cầu công việc. Bà Lan bổ sung: 30% là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Bà Lan còn cho biết thêm, khi đương chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp cho rằng: 30% còn lại không chỉ không làm được việc, mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ.
Nghịch lý vẫn còn ngang nhiên tồn tại, đó là việc, nhiều năm qua Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách về tinh giản biên chế, nhưng cho đến nay, công cuộc vĩ đại này vẫn “bình chân như vại”. Trong khi đó, nếu không may có sự cố, hậu quả xảy ra, rất nhiều cơ quan, đơn vị lại “ca” bài, việc nhiều, thiếu nhân lực, nhằm tránh “tội”, đổ “tội” hoặc để “san sẻ” trách nhiệm. Thêm nghịch lý là các cơ quan có trách nhiệm biết “la làng” kiểu trên là vô lý, nhưng “nhắm mắt làm ngơ”, không có các biện pháp xử lý, không giải quyết triệt để. Hậu quả không chỉ lệnh mà luật cũng bị nhờn. Nhiều cơ quan biên chế ngày mỗi phình ra, mà việc khi tắc chỗ này, lúc nghẽn chỗ kia. Không chỉ cán bộ thường, mà cán bộ cỡ trung, cao cấp, hưởng lương ngất ngưởng cũng được liệt vào hàng ngũ những người đến cơ quan “ngồi chơi xơi nước”, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Có thể con số 30%, bà Lan, ông Hợp nêu là cụ thể, nhưng ở phương diện khác, nó vẫn là chung chung, mà nói như dân gian “cha chung không ai khóc”, nên nhiều người ung dung rung đùi, không nhắc đến tên ta, ta bình an vô sự, ta vẫn là công chức hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!.
Nói chung chung không ai nghe, thậm chí là “chẳng thèm chấp”. Nhưng nói thật, nêu cụ thể xem ra cũng chẳng ai mặn mà hưởng ứng. Như chuyện, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu có quyền, ông sẽ sa thải 1/3 nhân viên ở Văn phòng Quốc hội, mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với vấn đề đặc biệt nhạy cảm như tinh giản biên chế, những người như ông Quyền không thể đưa ra để đùa giỡn, hay ra oai. Phát biểu của ông Quyền đúng hay sai?. Những người có trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội phản ứng gì?. Hay ông Quyền nói quá đúng, “im lặng là vàng”, để vấn đề trên nhạt dần, trôi đi theo thời gian?.
Chúng ta thường hay nghe chỉ đạo phải nhìn thẳng vào sự thật. Lắm vị luôn nhắc cấp dưới hãy nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng tiếc rằng chính các vị ấy do hạn chế chuyên môn, nhìn vào việc gì cũng rối như tơ vò, nên “sợ” việc công. Từ trốn việc công, trốn luôn cả việc nâng cao, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đánh mất tư cách, nhân cách cán bộ, công chức, trở thành lực cản trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội.