THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:55

Chắp cánh cho học sinh nghèo vùng cao

Cơ duyên đến với học trò có hoàn cảnh đặc biệt

Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Phạm Thị Lan Anh, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Chiềng Sung (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, Sơn La) luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục vùng khó khăn.

Cô còn là một trong những giáo viên tình nguyện giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Cô giáo Phạm Thị Lan Anh luôn được học trò tin yêu.

Cô giáo Phạm Thị Lan Anh luôn được học trò tin yêu.

Cơ duyên để cô Lan Anh đến với công tác thiện nguyện là vào năm 2020, khi cô cùng các đồng nghiệp đến thăm gia đình cô bé Lò Thị Như (dân tộc Thái) mồ côi cả cha và mẹ. Khi cô giáo trao quà từ thiện của các cô chú gửi tặng, cô bé rất vui. Nhưng lúc cô lên xe về, bé bật khóc.

Cô giáo quay xe lại động viên, an ủi bé Như. Bé Như ôm cô giáo và xin được gọi cô bằng mẹ. Cô Lan Anh thương bé thiếu thốn tình cảm của cha mẹ và rất xúc động trước tình cảm của bé Như dành cho mình. Từ đó cứ mỗi buổi trưa, cô giáo lại tranh thủ giờ nghỉ ít ỏi để vượt gần 3km đường khúc khuỷu khó đi đến dạy bé Như học. Trưa thứ 7 hàng tuần, cô giáo đến đón bé Như về nhà mình chơi và ở đến sáng thứ hai đưa luôn con đến lớp học.

Nhờ có sự động viên, quan tâm dạy học của cô Lan Anh và các thầy cô, bé Như đã nỗ lực học tập tốt. Ba năm liền con đều đạt học sinh khá, giỏi. “Tôi rất vui với kết quả đã đạt được của con. Học hết lớp 9, con nói với tôi: Mẹ ơi, hè mẹ cho con ra nhà mẹ ở mẹ nhé. Ở nhà con sợ lắm! Suốt 3 tháng hè con ở với tôi, rất vui. Sau đó, tôi xin cho con vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La. Hàng tuần, cứ chủ nhật, con lại gọi điện thoại về báo cáo tình hình học tập: Mẹ ơi, con được các cô khen… Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc với những cố gắng tiến bộ của con”, cô Lan Anh chia sẻ.

Không chỉ giúp đỡ bé Lò Thị Như, cô Lan Anh còn dùng tiền lương của mình để mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho cả hai gia đình em Lò Anh Vũ. Em Vũ mồ côi, ở cùng bà nội cao tuổi, bị liệt nằm một chỗ.

Do tham gia nhiều nhóm, hội có cùng mục tiêu, sở thích, câu chuyện của cô về những học trò giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các thành viên, bạn bè quan tâm. Cô đã kêu gọi hỗ trợ cho gia đình 2 em (Như và Vũ) chăn, màn, giường, tủ, bàn học, đồ dùng thiết yếu cùng nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm hằng tháng.

Đến nay, cả Vũ và Như đã được học tập và sinh hoạt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La. Em Lò Thị Như chia sẻ: "Con rất cảm ơn mẹ Lan Anh đã giúp con có được cuộc sống ngày hôm nay. Con sinh ra không được may mắn như các bạn nhưng con lại có được tình thương của mẹ Lan Anh nên con sẽ cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui lòng".

Lan tỏa những hành động đẹp

Thân thiện, hòa đồng là những lời kể của các đồng nghiệp về cô giáo Phạm Thị Lan Anh. Cô không chỉ được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp yêu quý bởi lòng yêu nghề, nhiệt huyết trong công việc, mà còn cả sự tận tâm trong các hoạt động thiện nguyện.

Tốt nghiệp Trường Trường cao đẳng Sơn La năm 1995, chuyên ngành Giáo dục tiểu học, cô giáo Phạm Thị Lan Anh nhận công tác tại Trường TH và THCS Chiềng Sung. Cô được phân công về dạy tại điểm trường bản Bãi Tám, cách trung tâm xã hơn 10km.

Thời điểm đó, đường đến trường còn gập ghềnh khó đi, đời sống bà con nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Cô Lan Anh kể lại: "Điểm trường tôi dạy lúc bấy giờ còn lợp mái tranh, thưng phên vách nứa. Lớp học tạm được vài năm thì xuống cấp trầm trọng. Thương học trò phải học trong lớp học cũ dột, năm 2000, tôi bàn với gia đình mua lại căn nhà gỗ 3 gian gần với điểm trường của bản, rồi sử dụng 1 trái và 1 bếp để ở, còn lại 2 gian, tôi để dạy học. Ngày ấy khi có điểm trường mới, ai cũng phấn khởi bởi sách vở đã không còn bị ướt, bị lấm lem do bùn đất.

Hiện nay, cô giáo Lan Anh giảng dạy tại điểm trường bản Thống Nhất, xã Chiềng Sung. Hơn 28 năm cống hiến cho nghề dạy học, cô luôn nỗ lực không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ. Với những kiến thức đã được học ở trường, kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn và sự học hỏi từ đồng nghiệp, trong các đợt thi cấp trường, cấp huyện, cô được đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các kỹ năng xử lý tình huống. Trong giờ lên lớp, cô luôn tạo tình cảm thân thiện, niềm nở, gần gũi với các học trò, giúp các em có hứng thú và đam mê học tập, rèn luyện.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường TH & THCS Chiềng Sung là người đã được cô Lan Anh giúp đỡ, hỗ trợ từ khi mới bước vào nghề chia sẻ: "Cô giáo Lan Anh là giáo viên tận tâm. Khi mới vào nghề, đến những điểm trường cắm bản ở nơi heo hút, cô Lan Anh không ngại khó khăn hỗ trợ tôi và những đồng nghiệp khác đến nhà học sinh để vận động các em đến trường. Chúng tôi rất khâm phục cô Lan Anh vì tinh thần yêu nghề".

Cô giáo Phạm Thị Lan Anh thay mặt nhà tài trợ tặng quà cho em Lò Thị Như.

Cô giáo Phạm Thị Lan Anh thay mặt nhà tài trợ tặng quà cho em Lò Thị Như.

Từ năm 2020 đến nay, cô giáo Lan Anh đã động viên, cưu mang, trợ giúp pháp lý cho 10 học sinh mồ côi, hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn của xã Chiềng Sung, Chiềng Chăn. Bên cạnh đó, cô còn vận động, kêu gọi và “kết nối” được 5 chuyến xe nhu yếu phẩm, gồm: Gạo, mì tôm, dầu ăn, quần áo đến với bà con nhân dân các xã Chiềng Sung, Chiềng Chăn, Tà Hộc... trị giá gần 300 triệu đồng. 

Cô Lan Anh chia sẻ: "Thấy tôi vất vả, ban đầu gia đình, người thân phản đối. Nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì cả công việc dạy học và hỗ trợ học sinh. Khi làm thiện nguyện, tôi luôn  minh bạch và trách nhiệm với công việc, vì vậy đã tạo được niềm tin đối với các nhà hảo tâm. Dần dần, người thân, bạn bè thấy được ý nghĩa việc làm của tôi nên đã ủng hộ, góp phần chung tay vì cuộc sống cộng đồng".

Với những công lao đóng góp và thành tích đã đạt được, cô giáo Phạm Thị Lan Anh là tấm gương sáng trong phong trào tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa của Trường TH & THCS Chiềng Sung. Tấm lòng nhân ái của cô giáo không chỉ giúp đỡ những người nghèo vơi bớt những khó khăn, mà còn khơi dậy tính nhân văn, lan tỏa ngọn lửa thiện nguyện trong cộng đồng.

Thùy Dương – Hồng Nga

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh