CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:47

Năng lực cạnh tranh, năng suất lao động... phải cải thiện gấp

 

Mở đầu phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, quá trình cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, chính vì vậy rất nhiều tồn tại được chỉ ra như năng suất lao động thấp, cải cách hành chính công, chống tham nhũng… cần phải được cải thiện gấp trong thời gian tới.

VBF 2015 cuối kỳ

VBF cuối kỳ diễn ra trong thời điểm được cho là rất quan trọng đối với Việt Nam, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”. Bởi Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của Kế hoạch Phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011 - 2015, cũng có nghĩa đã đi được một nửa chặng đường của Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011 - 2020, với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đồng thời Diễn đàn cũng được chờ đợi khi đây là Diễn đàn đầu tiên sau khi Việt Nam đã và sắp ký kết một loạt các Hiệp định thương mại quan trọng.

Đồng chủ tịch Liên minh diễn đàn Doanh nghiệp, bà Virginia B.Foote thì cho rằng, kể từ Diễn đàn giữa kỳ vào tháng 6/2015, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp ở Việt Nam.
Còn theo bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), thì Việt Nam đã và đang thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và nâng cao kim ngạch thương mại. Riêng tổng kim ngạch thương mại Mỹ - Việt trong năm 2015 có khả năng lên tới 45 tỷ USD, kỳ vọng đạt 80 tỷ USD vào năm 2020, có thể còn cao hơn khi có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hơn thế nữa, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ. Thị phần của Việt Nam chiếm 22%, và có thể vượt 30% trước năm 2020, nếu xu hướng hiện tại được tiếp tục.
Về phía ông Fred Burke, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, VBF thẳng thắn bày tỏ sự quan ngại trước các quy định về hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng, ông Burke cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt rất quan trọng - các chuỗi cung ứng đang di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong khắp khu vực và nhờ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, và các hiệp định thương mại quan trọng khác.

Theo đó, nhiều tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực sản xuất đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động kinh doanh đến Việt Nam, với tiềm năng tạo ra hàng triệu việc làm, tiền thuế và chuyển giao công nghệ.

Trải qua gần hai thập kỷ, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và Cộng đồng doanh nghiệp. VBF đã đồng hành với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước. Nhờ có sự đổi mới đó, cùng sự tự điều chỉnh vươn lên của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp đã từng bước được nâng cao, việc thu hút FDI trở nên có hiệu quả hơn. 

Nguyễn Thanh/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh