Chánh Tín: Tôi từng là đại gia, giờ chỉ mong đủ ngày hai bữa
- Văn hóa - Giải trí
- 22:32 - 09/09/2019
- Sau những biến cố trong cuộc sống, hiện ông sống thế nào?
Hiện tại, tôi dọn qua khu Tân Phong, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh ở. Căn hộ này là của người em kết nghĩa kêu tôi về ở. Đây là chung cư cao cấp nên điều kiện rất tốt, nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, gần bờ sông, nhân viên bảo vệ rất lịch sự.
Nói chung, sức khỏe tôi tốt, không có vấn đề gì. Nhưng tuổi già mà, bệnh già thì mỗi thứ một chút. Không có bệnh nào tới nỗi chết, chỉ... sắp chết thôi. (cười lớn)
- Thời gian này ông đi đống phim, hoạt động khá đều đặn, điều gì khiến ông tích cực như vậy?
Đúng là gần đây tôi có đi đóng phim, chấm thi hoa hậu nên cũng đi lại nhiều. Tôi đi Dubai, Singapore, Thái Lan, Mã Lai... Thật ra, làm giám khảo cũng không có gì cực nhọc, với sức khỏe hiện tại thì tôi dư sức làm.
Năm rồi tôi đi phim khá nhiều, đi 4 - 5 phim, toàn phim nhựa. Tôi nghĩ, đã là diễn viên dù vai lớn hay nhỏ không thành vấn đề, miễn là có chỗ diễn. Tình cảm của mình đối với vai diễn hoặc ê kip đó mới quan trọng.
Tôi cũng lớn tuổi rồi, giúp được gì cho con cháu, anh em mình luôn sẵn sàng .
Với lại cũng do lớn tuổi nên vai diễn của tôi đã hạn chế. Hồi xưa còn đóng vai 40 - 50 tuổi giờ chỉ đóng được vai ở hàng 60 tuổi.
- Đời Chánh Tín đủ thăng trầm, nhưng tôi để ý, hễ ông gặp chuyện là có người tới giúp?
Đó là điều rất phước đức mà khán giả đã yêu mến và mang tới cho mình. Tôi lấy làm vinh dự khi nhận được sự giúp đỡ đó.
Tôi cũng từng là đại gia đấy! Nhưng thôi, giờ còn để ý làm gì. Chúng ta phải lo cho cuộc sống hiện tại. Tôi giờ cũng sáu mươi mấy rồi, coi mấy đứa em làm gì thì đu theo thôi chứ không mong làm giàu gì nữa.
- Tôi nhớ lúc bị phá sản, tâm trạng ông sa sút lắm. Ông mất bao lâu để hồi phục?
Không ai có thể trụ nổi khi tất cả mọi chuyện cùng đổ ập. Lúc đó, tôi đã bị ăn cắp phim mà việc kinh doanh cũng liên tục thất bại, chưa kể chuyện đất đai, nhà cửa lên xuống. Nhiều thứ kéo theo một lúc làm tôi sạt nghiệp, chứ nếu chỉ chuyện bộ phim thôi thì chắc đã không tới nỗi.
Tôi chưa từng trách đời, trách phận. Trái lại, tôi lấy làm hả hê. Tôi không hẳn tu nhưng là con nhà Phật. Ba mẹ tôi ăn chay trường 40 - 50 năm, tu tịnh độ cư sĩ (trường phái thiền). Tôi được rèn luyện từ nhỏ nên dù trải qua những chuyện đau buồn, có khi người khác không sống nổi nhưng tôi cứ nghĩ là vô thường hết.
Hồi xưa, tôi ngủ tới 11 - 12 giờ trưa mới dậy, nhưng từ sau lần tai nạn đó, khoảng 5 - 6 giờ là tôi dậy rồi. Buổi tối cũng vậy, khoảng 9 - 10 giờ là tôi đi ngủ.
Cứ như đầu óc mình không còn cái gì để lo lắng, suy nghĩ nữa vậy. Người ta còn gia sản thì còn lo mất của, chứ tôi mất hết rồi còn gì đâu mà lo? Thành ra ngủ sướng lắm. (cười)
- Ông mong muốn điều gì nhất bây giờ?
Mong sao ngày đủ hai bữa! Tôi còn thằng con ở nước ngoài gửi tiền về, nếu tằn tiện vẫn sống được. Tôi cũng đi hoạt động, ca hát, làm giám khảo, đi show... nên cũng không tới nỗi nào. Nói chung, tôi chẳng có kế hoạch gì. Có chăng, kế hoạch của tôi là sống đơn giản.
- Giai đoạn phá sản, ông hay đi hát phòng trà, nhưng giờ không thấy đi hát nữa?
Lúc trước, tôi có đi hát phòng trà nhưng phần lớn phòng trà hiện nay ế ẩm quá, doanh thu không tốt, chỉ vài chỗ hoạt động ổn địn. Vì vậy, họ phải cắt giảm nhiều thứ nên cát xê không còn như xưa.
Tôi đi hát mà thù lao không xứng đáng thì thôi, mình làm nghề khác. Bây giờ chỉ thỉnh thoảng đi hát cho anh em nghe.
- Đời ông thăng trầm, hấp dẫn như vậy, sao không tính chuyện làm phim, viết sách?
Tôi cũng từng có ý định làm phim hoặc ra sách về cuộc đời mình nhưng phải có mạnh thường quân giúp đỡ may ra mới làm được.
Nếu tôi đi kêu gọi mọi người làm phim về cuộc đời mình thì kỳ quá. Viết sách cũng vậy, phải có tác giả, tờ báo nào uy tín viết cho thì mới được.
Riêng với sách, nếu viết như một số người từng ra sách thì tôi không đồng ý. Tôi không chỉ là diễn viên mà còn là ca sĩ, kịch sĩ, đạo diễn... Bề dày hoạt động của tôi từ năm 1973 tới giờ, từng chiếm huy chương vàng của tổng thống Thiệu.
Vì vậy, nếu đã kể thì phải kể cho hết, đem cái hay cái đẹp trong ngành nghề mình từng trải qua cho người đời sau biết. Dĩ nhiên cả những cái cần tránh, để người ta nhìn vào đó lấy mình làm gương. Hồi ký không phải là thứ chỉ để kể lại chuyện chơi bời của đời mình.
"Tôi biết và mê anh Chánh Tín từ nhỏ, qua loạt phim trước 1975. Về ca hát, anh là một danh ca.
Trong một show diễn, tôi đến xem và muốn tặng hoa cho anh nhưng còn bé quá nên không chen được. Không hiểu sao, giữa ngàn khán giả đến tặng hoa, anh bất ngờ cúi xuống bế lên bỏ vào lòng.
Anh là hình ảnh của người Sài Gòn cũ, người nghệ sĩ chân chính. Anh mất hết tất cả vì anh yêu nghề.
Lúc anh phá sản, anh chưa từng kêu gọi ai giúp đỡ nhưng mọi người trong Nam ngoài Bắc tự động bỏ cả trăm triệu vào tài khoản gửi cho anh. Long Nhật không có nhiều, khoảng mấy chục triệun đồng. Anh Vương Bảo Tuấn có 5 triệu, phải hỏi mượn thêm cho đủ 10 triệu. Chị Bảo Yến cũng bỏ 10 triệu...
Tôi chưa từng nghĩ anh Chánh Tín hết phong độ. Theo quy luật, anh cũng có tuổi rồi nhưng phong thái đó, thần lực đó còn nguyên vẹn", Long Nhật kể về Chánh Tín với VietNamNet.