Chạnh lòng trước tấm bia ghi danh 13 liệt sĩ thông tin
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:48 - 27/12/2015
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn thắp hương tưởng niệm 13 liệt sỹ thông tin liên lạc hy sinh tại hang Lèn Hà.
Ăn sắn, ăn bồi, tình thân như một nhà
Chúng tôi tìm gặp một vài nhân chứng sống, những người dân, thanh niên xung phong, đại diện chính quyền thời điểm đó sống gần gũi với A69. Câu nói đầu tiên của các bà, các mẹ là: “A69 với chúng tôi là anh em ruột thịt trong một nhà”.
Nhà bà Đinh Thị Tân, ở thôn 3, Bắc Sơn, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) thời kháng chiến chống Mỹ ở bản Hà, cách hang Lèn Hà chừng hơn 500m.
“Lúc đơn vị về đóng quân, tôi mới mười tám đôi mươi và còn nhớ rõ đơn vị chọn hang Hà để đặt căn cứ chứ không chọn hang Cao (phía trên hang Hà) vì cao quá, sợ lộ. Chúng tôi là những người đầu tiên sang giúp đơn vị kẹp lá, lợp mái nhà”.
Đơn vị nhiều nữ, tuổi cũng ngang ngang nhau, các cô lại xa quê nên nhớ nhà. Cứ chiều chiều lại qua nhà bà Tân, nhận bố nhận mẹ. Có sắn ăn sắn, có bồi ăn bồi, tâm sự chuyện chung chuyện riêng không khác gì chị em ruột thịt.
Bà Đinh Thị Tân: "A69 với chúng tôi thân thiết như anh em ruột thịt".
“Tôi còn nhớ ngày trước khi bị ném bom, cô Xuyên có đi nhận áo quần, mang qua tặng tôi cái áo mới. Hồi đó quý lắm, tôi mặc cho đến khi rách lỗ chỗ. Sau này áo quần mới nhiều nhưng cái áo đó tôi không bao giờ quên”, bà Tân kể.
Bà Ngô Thị Trương (67 tuổi), ở thôn 4, xã Thanh Lạng cho biết: “Hồi đó tôi là chủ tịch hội phụ nữ xã, đơn vị kết nghĩa anh em với A69 nên có việc gì cũng giúp nhau, tổ chức giao lưu văn nghệ thường xuyên cho các cô chú đỡ nhớ quê. Cũng mấy năm trời chứ ít ỏi gì…”.
“Hồi đó, nếu nghe một phát súng lệnh là có máy bay địch, hai phát là an toàn, ba phát tắc đường, 4 phát có người bị thương và 5 phát là có người chết”, bà Trương nhớ lại.
Rưng rưng lần an táng 13 chiến sỹ thông tin
Đến giờ, bà Ngô Thị Long (62 tuổi) ở thôn 4, Thanh Lạng vẫn bị ám ảnh bởi 5 phát súng cứ bắn từng hồi liên tiếp nhau vào cuối chiều 2/7/1972.
Cái cảnh lán trại sập xuống, bốc cháy, từng thi thể của các cô cháy đen được đưa ra từ đống đổ nát khiến những người có mặt như đứt từng khúc ruột.
Nơi đặt bia tưởng niệm bây giờ trước đây là nơi A69 ở, hầm chữ A nên chỉ có một lối thoát duy nhất. Bom dội xuống, các cô không thể nào thoát ra ngoài.
“Cuối giờ chiều, chúng tôi nghe tiếng súng lệnh. Biết có người hy sinh ở Lèn Hà nên tập trung đến. Cảnh tượng không thể nào tin nổi, chị em chúng tôi là người khiêng thi thể các cô ra, mặc lại quần áo mới, lấy lọ penexilin để ghi tên tuổi quê quán và chôn cất các cô cẩn thận. Nhiều cô cháy đen, mặt không còn nhận ra nữa ”, bà Long nghẹn ngào.
“Thương cô Vũ Thị Lan, lẽ ra cô ấy về hôm trước để cưới chồng nhưng bị nhỡ xe, ở lại. Hôm sau thì đơn vị bị đánh bom. Người yêu cô là chú Hưng làm nhân viên kỹ thuật ở cung đường 12. Sau khi cô Lan hy sinh, chú đã xin đến đây làm việc thay cô.
Chú đến làm hơn 1 tháng mới nhận được bức thư của mình gửi cô trước đó, thương không để đâu cho hết”, bà Tân nhớ lại.
Giờ Lèn Hà đã khang trang, các cô các chú đã được phong anh hùng, bà con nơi đây cũng ấm lòng. Những ngày lễ, tết, chính quyền và người dân quanh vùng đến thắp nén nhang cho ấm lòng người nằm xuống còn ngày thường rất vắng vẻ.
Tấm bia ghi danh các liệt sĩ hy sinh tại hang Lèn Hà.
Thấy hang Tám Cô, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn… được đầu tư khang trang, lúc nào cũng người ra vào tấp nập lại thương các cô chú ở đây hiu quạnh.
“Hiện nay, quản lí và bảo vệ ở hang Lèn Hà có ba người. Mỗi tháng, trung tâm văn hóa huyện Tuyên Hóa cho 100 ngàn tiền hương khói vào dịp mồng 1 và ngày rằm hàng tháng. Còn hài cốt của các cô các chú thì một số đã được gia đình đưa về quê, một số còn nằm lại ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuyên Hóa”, chị Luân, nhân viên quản lí khu di tích cho hay.
Tấm bia ghi tên 13 liệt sĩ khói nhang nghi ngút cứ làm chạnh lòng người về…
|