Chàng trai Hà Nội chia sẻ bí quyết trồng cả "rừng cây" tươi tốt xanh mát trong nhà
- Chia sẻ
- 06:56 - 20/05/2020
Ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Tuân, một designer ở Hà Nội luôn xanh mát với sắc màu giản dị, bình yên của các loài cây. Anh dành thời gian để tìm hiểu và chăm chút cho các loại cây giúp không gian sống của mình luôn đẹp ấn tượng với sắc màu thiên nhiên.
Anh Tuân tâm sự: "Bản thân mình là một người thích những gì đến từ tự nhiên nên trong décor cũng không ngoại lệ. Những chất liệu như gỗ, vải thô, tre nứa, gốm sứ, đất nung đều làm mình bị thu hút. Đặc biệt mình thích những gì có sự sống để xem nón thay đổi từng ngày và đó là cây cối – niềm đam mê lớn".
Anh Tuân cảm thấy mình có duyên với cây từ lâu rồi và cứ thế bị "nghiện" không cách nào cai được. Từ khi ấy, khoảng thời gian rảnh rỗi được anh sắp xếp và ưu tiên cho việc mua cây, chăm cây, tìm hiểu về các loại cây trồng trong nhà.
Với cây trồng trong nhà, anh Tuân phân ra làm 4 loại chính. Loại thứ nhất là những cây chuyên để lọc không khí, hút các chất độc hại có trong nhà như lưỡi hổ, cây lan chi, dương xỉ mỹ, các dòng trầu bà leo, nha đam, Lan Ý… Loại thứ 2 là những cây chuyên để ăn lá. Vì diện tích ban công không giống như vườn nên những loại ăn lá có thể thu hoạch nhiều lần và lâu bền như cây me đất, húng quế, húng bạc hà, húng Mỹ, cây cóc Thái, cây sung, tía tô, kinh giới, ớt…
Loại thứ 3 là những loại cây chuyên để pha trà, pha nước uống như cây lá nếp, cỏ ngọt, bạc hà Nhật, đậu biếc, cây gừng, cây sả… Loại thứ 4 là những loại cây ở những khu vực khó sống, ít ánh sáng nên thường được anh trồng để trang trí ban công cũng như tạo vẻ đẹp tươi tắn cho tổ ấm.
Anh trồng đa dạng các loại cây.
Theo kinh nghiệm của anh Tuân, để giúp cây trong nhà luôn tươi tốt cần phải hiểu rõ đặc tính của từng cây. Ví dụ những cây có thể sống trong môi trường ánh sáng yếu, kín gió thì 1 – 2 tuần mang ra ngoài phơi sáng, nắng một lần.
Còn những cây trong nhà mà yếu hơn cần mang ra ngoài nhiều hơn (cái này cũng tùy vào từng loại cây để mang ra nhiều hay ít) có cây chỉ cần 1 tuần mang ra ngoài 1 lần, có cây 3 ngày/ 1 lần, có cây 1 ngày/ 1 lần. Việc tưới nước cho cây cũng tương tự như vậy. Vì trồng trong nhà nên anh Tuân khuyên những loại cây bé nên trồng thủy sinh vì phương pháp này sẽ giúp chúng sống bền hơn so với trồng đất.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây thủy sinh, anh Tuân cho biết: "Các loại cây thủy sinh thì chăm rất đơn giản và tiện lợi vì không cần tưới hàng ngày (tránh phải bê đi bê lại), chỉ cần chú ý khi nước cạn thì đổ nước đầy (nếu chăm hơn thì có thể mua nước dinh dưỡng chuyên cho cây thủy sinh thì càng tốt, không cũng không vấn đề gì)".
Trong các loại cây trồng trong nhà, anh Tuân thích nhất là cây lưỡi hổ, kim tiền, trầu bà lá xanh vì chúng sống bền, chịu ánh sáng yếu, chịu khô tốt và đặc biệt là thanh lọc không khí rất tốt.
Về kinh nghiệm mua cây, anh Tuân thường dựa vào không gian, môi trường nơi định trồng để quyết định mua loại cây phù hợp. Cây cần phải trồng ở vị trí thích hợp. Nếu ít thời gian, anh Tuân khuyên mọi người nên mua những loại cây khỏe như các dòng trầu bà leo, những cây sống được cả thủy sinh lẫn đất, những cây được nhân giống từ lá sẽ có sức sống khỏe hơn, những cây mọc từ củ…
Từ khi "bén duyên" với việc trồng cây, chăm cây, anh Tuân cảm thấy yêu ngôi nhà của mình nhiều hơn. Anh thấy cuộc sống thêm nhiều điều thú vị hơn khi ngắm nhìn những mầm xanh, lá cây, cành cây phát triển tốt tươi từng ngày.
Nguồn ảnh: NVCC