CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Chàng trai 9X bại não truyền cảm hứng trong Trạm yêu thương

Mở đầu chương, MC Minh Hằng không giới thiệu khách mời như thường lệ. Cô nói về một tập giấy khen cầm trên tay với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Chủ nhân của những bằng khen đó là Nguyễn Đức Thuận – sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Chỉ đến khi Thuận xuất hiện và giới thiệu về mình, khán giả mới biết em mắc chứng bại não thể co cứng.

Khi MC Minh Hằng hỏi đã đạt được bao nhiêu thành tích, Thuận bảo nhiều quá nên không nhớ hết, có khoảng 15 bằng khen nhưng “Bao nhiêu giấy khen, bao nhiêu thành tích không quan trọng bằng việc em đã tự tặng cho mình một tờ chứng nhận, là ‘giấy chứng nhận nỗ lực của bản thân’".

Nhớ lại những năm tháng mà mình đã trải qua, Thuận chia sẻ việc bị coi là một đứa trẻ không làm được gì khiến em bị tổn thương. Những lúc như vậy, Thuận chỉ im lặng và cố gắng không ngừng. Việc học lập trình giúp Thuận chứng minh mình có thể làm được mọi việc: “Khi lập trình, em tự tin hơn rất nhiều, vì lập trình cho em nhiều cơ hội”. Thuận bảo năm lớp 12 là khoảng thời gian em nhớ mãi: “Đó là bước ngoặt cuộc đời khi thầy Hiệu trưởng mà em vô cùng yêu quý đón em lên trường chuyên học. Và từ đó, em được tôn trọng và được học những thứ mình đam mê”.

2

Do ảnh hưởng của chứng bệnh bại não thể co cứng, Thuận chỉ có thể điều khiển các phím bằng 2 ngón tay. Em đã phải trải qua 3 tháng ròng rã làm quen với việc điều khiển bàn phím. Mang đến Trạm yêu thương những dụng cụ quen thuộc với một lập trình viên là máy tính, đặc biệt là chiếc bàn phím mới được 1 năm tuổi nhưng các phím đã mòn như được sử dụng mấy chục năm, Thuận lý giải do em làm việc 12 tiếng/ngày.

Tính đến nay, Thuận 19 tuổi cũng là 19 năm bố mẹ luôn đồng hành cùng cậu con trai trên con đường học tập. “Ngay từ những ngày học mẫu giáo, mẹ đã đồng hành cùng Thuận. Suốt năm lớp 1, mẹ cũng là học trò của cô luôn. Mẹ làm đôi chân, đôi tay thứ hai cho con đến khi nào không thể làm được nữa thì thôi” - cô Đỗ Thị Hoài San, mẹ Thuận chia sẻ.

Trạm yêu thương tuần này còn mang đến câu chuyện của Mai Anh, cũng là một cô gái bị bại não. Hiện tại, Mai Anh là sinh viên của Trường Luật. Em ấp ủ ước mơ trở thành luật sư vì trong pháp luật luôn hiện hữu sự công bằng và hi vọng đam mê ấy sẽ khiến mọi người có cái nhìn công bằng về mình hơn.

Lắng nghe câu chuyện của Mai Anh, Đức Thuận mỉm cười chia sẻ: “Em cũng muốn như chị ấy. Muốn chứng minh rằng những người khiếm khuyết như em có thể làm được mọi việc và cần được đối xử công bằng”. Thuận nói, cuộc đời mình giống như một phương trình vô số nghiệm bởi vì em là người có vô số điều đã và đang làm được.

Khi hỏi về ước mơ trong tương lai, Thuận bật mí một tâm nguyện rất lớn: Ngoài việc trở thành một lập trình viên giỏi, em mong muốn có thể giúp đỡ những hoàn cảnh giống như mình, để mọi người được đối xử công bằng hơn.

Ngoài việc học trên trường, Thuận còn tham gia ra đề cho các kỳ thi Tin học và làm lập trình viên nghiên cứu của một công ty. Bên cạnh đó, Thuận muốn học lên cao nữa, chinh phục những cột mốc cao hơn trong lĩnh vực lập trình. Món quà của Trạm yêu thương phần nào sẽ giúp Thuận viết tiếp ước mơ ấy.

Hành trình theo đuổi đam mê của chàng trai bại não đầy nghị lực và bản lĩnh trong Trạm yêu thương chủ đề Phương trình của Thuận là điểm hẹn đáng chờ đợi trong khung giờ 10 ngày 7/5 trên VTV1.

Minh Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh