Chấn thương khớp vai thường "ẩn mình" dưới những triệu chứng đau nhức thông thường
- Y học 360
- 00:38 - 24/09/2020
Chấn thương khớp vai là loại chấn thương phổ biến, thường gặp với những người hay chơi thể thao, nhưng đây cũng là căn bệnh phổ biến của những người thực hiện các công việc có nhiều động tác với, đưa tay lên cao qua đầu như thợ sơn, thợ lau kính, nhân viên thu ngân, nhân viên văn phòng, nhân viên thư viện, nhà sách… Nếu không được điều trị đúng cách, chấn thương khớp vai có thể dẫn đến thoái hoá khớp, bại liệt cánh tay, vôi hóa, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động thường ngày.
Chấn thương khớp vai diễn tiến một cách "thầm lặng" vì những triệu chứng của nó hay bị người bệnh chủ quan. Khác với người bị chấn thương gối, những cơn đau thể hiện rõ ràng khiến người bệnh phải đến bệnh viện ngay thì chấn thương khớp vai bắt đầu từ cảm giác mỏi, tê đằng sau bả vai. Đến khi người bệnh cảm thấy cơn đau ngày càng nặng đến mức không ngủ được, bị hạn chế trong sinh hoạt hằng ngày mới đến bệnh viện thì vị trí chấn thương đã ở giai đoạn tiến triển, gây ra những biến chứng như gai xương, viêm xương khớp thoái hóa, cứng khớp, co rút khớp…
Để điều trị hiệu quả các chấn thương khớp vai, người bệnh cần được chẩn đoán sớm, thực hiện đúng theo phác đồ điều trị khoa học. Nếu chấn thương nhẹ và ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần sử dụng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt để cải thiện về tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên đối với những chấn thương nặng, cần can thiệp ngoại khoa thì phẫu thuật nội soi là một trong những phương pháp hiện đại, nhanh hồi phục và có hiệu quả rõ rệt nhất.
ThS BS. Dương Đình Triết – Khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD TPHCM cho biết: "Mục tiêu điều trị chấn thương khớp vai theo phương pháp phẫu thuật nội soi là phục hồi chức năng tối ưu, giảm thiểu tối đa các xâm lấn để thúc đẩy quá trình hồi phục của người bệnh. Đặc biệt đối với những người lao động nặng, người bệnh sau điều trị vẫn có thể hoạt động như trước khi mổ, không cần phải thay đổi công việc. Phẫu thuật nội soi mặc dù phức tạp hơn mổ mở, nhưng các tiến bộ kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại như hiện nay đã đem đến những lợi ích vượt trội hơn hẳn so với hình thức mổ mở truyền thống."
Trường hợp của người bệnh N.V.L, (60 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp). Ông L. làm nghề thợ sơn nhà đã hơn 15 năm. Suốt 2 năm nay, ông thường đau âm ỉ vùng vai phải nhưng không đến bệnh viện khám mà chỉ uống thuốc giảm đau. Gần đây, ông L. phải đến bệnh viện khám trong tình trạng tay phải yếu, không thể đưa tay lên cao, tối không ngủ được vì đau nhiều một bên vai. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông L. bị rách sụn viền vai, trật khớp cùng đòn bên phải và chỉ định phẫu thuật nội soi để phục hồi chức năng của vai. Sau khi thực hiện phẫu thuật nội soi 6 tháng, người bệnh đã có thể trở lại làm việc, sinh hoạt như bình thường.
ThS BS. Dương Đình Triết – Khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD TPHCM khuyến cáo, chấn thương khớp vai xảy ra khi vận động vai nhiều, thường "ẩn mình" dưới những triệu chứng đau nhức thông thường nên người bệnh hay sử dụng thuốc giảm đau để tự điều trị. Đó là một trong những sai lầm lớn, có thể để lại những hậu quả nặng nề gây mất chức năng khớp vai, nguy hiểm hơn là suy giảm chức năng gan thận do dùng thuốc. Chính vì vậy, người bệnh cần phải sử dụng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Nếu đã bị chấn thương cần tuân thủ chế độ tập vật lí trị liệu, tập thói quen sinh hoạt lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ để vị trí chấn thương nhanh hồi phục. Đối với những người làm các công việc có nguy cơ bị chấn thương khớp vai, có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm như: làm việc đúng tư thế; tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đúng cách giúp xương khớp khỏe mạnh; có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chất cần thiết cho hệ cơ xương khớp; thăm khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, việc nhận biết chấn thương là cách tốt nhất để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Vì vậy, ngay khi có các triệu chứng, người bệnh nên chủ động đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ Triết khuyến cáo.