THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:46

Chán, nhạt như... tuyên truyền giao thông

Mật độ tuyên truyền dày đặc, nước vẫn… đổ đầu vịt

Trên đường phố, không ít người tham gia giao thông trong tình trạng thần kinh bất ổn, uống rượu bia vượt quá nồng độ cồn quy định hoặc sử dụng các chất kích thích bị cấm khác… Thêm vào đó, là những hình ảnh nhiều thanh niên mặc quần đùi, áo may ô, hay cởi trần, đèo ba đèo bốn phóng xe bạt mạng, lạng lách trên đường là chuyện không có gì lạ!. Thậm chí cầu Nhật Tân vừa mới khánh thành, một điểm nhấn mới-đẹp ở cửa ngõ Hà Nội đã xẩy ra biết bao chuyên bi hài về an toàn giao thông; về mỹ quan đô thị; về cái sự thanh lịch của người  Tràng An. Đó là cảnh hàng chục người ồ ạt tràn ra mặt cầu tạo dáng đủ kiểu để chụp ảnh, nhiều nam thanh, nữ tú vắt vẻo trên lan can cầu cười toe toét, có những ông tài không kìm cảm xúc cũng dừng xe giữa cầu chụp dăm kiểu ảnh làm kỷ niệm. Thậm chí một nam thanh niên “khai trương” kỷ niệm lần đầu đi qua cầu Nhật Tân bằng cách tè bậy ngay trên cầu và khoe “thành tích” của mình lên mạng xã hội !

Hình ảnh... tè bậy trên cầu Nhật Tân, (Hà Nội) rất phản cảm, gây bất bình trong dư luận

    Chỉ điểm một vài cài ví dụ nho nhỏ ấy cũng đã thấy thực trạng chấp hành luật lệ giao thông hiện nay con quá bừa bãi, văn hóa giao thông của một bộ phận nhân dân còn bất cập! Văn hóa là thước sự phát triển của xã hội. Chỉ đến khi nào văn hóa giao thông của mọi người dân được nâng cao thì khi đó tai nạn giao thông mới không còn là nỗi lo lắng, ám ảnh mỗi người khi tham gia giao thông

Dù cho ngành giao thông sử dụng nhiều biện pháp quyết liệt để làm giảm tình trạng ùn tắc cũng như tai nạn giao thông; và dù cho tai nạn giao thông trong 2 năm qua có vẻ giảm chút ít, thì hiệu quả về tuyên truyền xem ra cũng chẳng hề tác động tốt hơn lên trong đời sống cộng đồng, do công tác tuyên truyền khô cứng, máy móc, làm để lừa trên lòe dưới, không được đầu tư trí tuệ một cách chỉn chu khoa học, phù hợp với thực tế cuộc sống. Không bàn đến những việc đao to búa lớn mà ngay những việc nhỏ hơn như kẻ vẽ băng rôn, khẩu hiệu... cũng cẩu thả, làm cho  có không chỉ hình ảnh, lời văn mà việc, treo, đặt tùy tiện các băng rôn,áp phích cũng đã gây nên phản cảm, dẫn đến tuyên truyền mà lại phản tuyên truyền

Băng rôn tuyên truyền giao thông treo tại Bình Định gây tranh cãi, người ủng hộ kẻ bất bình, đã phải gỡ bỏ

Không ai khác, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về luật lệ giao thông và đây là lực lượng chủ lực. Bên cạnh việc nêu những vụ tai nạn làm bài học kinh nghiệm cho những người tham gia giao thông,còn nêu các văn bản pháp luật, những quy định mới nhất , kèm theo đó là những chế tài xử phạt ngày một mạnh hơn, kiên quyết hơn của các cơ quan chức năng. Thế nhưng cũng như công tác xử phạt ,công tác tuyên truyền còn kém, chưa tạo được sự thu hút. Do công tác tuyên truyền  kém hấp dẫn nên tính hưởng ứng của người dân không cao, hiệu quả của tuyên truyền không còn.

 PGS.TS Phạm Đình Xinh, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: “Thống kê cho thấy, hơn 80% vụ tai nạn giao thông xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông và người đi bộ. Các lỗi vi phạm an toàn giao thông phổ biến là chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định,  chuyển hướng sai quy định… Sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, tài sản đã trở thành thói quen cố hữu của người Việt Nam”.

Một trong số ít băng rôn có khẩu hiệu được khen ngợi

PGS-TS Phạm Đình Xinh bình luận thêm:"Những việc bình thường như dừng trước vạch sơn, nhường người đi bộ, qua đường đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ… trở thành không bình thường. Và những việc không bình thường như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe… lại trở nên bình thường thậm chí là hiển nhiên với một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông”, 

“Mùa thu Hà Nội” chẳng ăn nhập gì với tuyên truyền

Sáng sáng, đi qua một vài ngã tư hoặc tuyến phố như: Chùa Bộc, Ngã Tư Sở, Cầu giấy…  người tham gia giao thông ngoài việc phải "chịu trận" muôn âm thanh ồn ả, chống trả với những tình huống kẹt xe, tắc đường, phóng nhanh vượt ẩu, lại bị “nã” vào tai các điệp khúc tuyên truyền giao thông nghe câu được, câu chăng, thì thòm bập bỏm, xen kẽ với những khẩu hiệu, luật lệ lặp đi, lặp lại bài hát “Mùa thu Hà Nội” chẳng hề ăn nhập gì với nhau.

Hay đi qua vài con phố, lại lập tức bắt gặp băng rôn tuyên truyền hạn chế rượu bia khi lái xe treo xô lệch, rách rưới,chữ mất,chữ còn trông rất  phản cảm: “Rượu- bia không lái xe”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy”, “Tuân thủ quy định về tốc độ khi lái xe”…Rõ ràng không thể có hiệu quả, không thể mang lại tính giáo dục ở những câu tuyên truyền nhạt nhẽo, băng rôn rách rưới mờ mịt như thế!

Băng rôn rách tả tơi

Dù rằng, theo thống kê, có đến 40% các vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do rượu bia gây ra, nhưng cách tuyên truyền như thế nào cho hiệu quả, để tác động đến ý thức của người tham gia giao thông vẫn là câu hỏi mãi chưa có lời giải đáp.

Chính vì tuyên truyền còn mang tính khẩu hiệu, làm cho xong chuyện nên tỷ lệ tiêu thụ rượu bia tính theo đầu người ở Việt Nam đứng vào hàng “khủng” của châu Á. Các công ty sản xuất bia rượu “thừa thắng xông lên” với kết quả... đáng tự hào: Sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước! Nên chẳng có gì khó hiểu, khi tỷ lệ tai nạn của người tham gia giao thông có nồng độ cồn cao gần như... phổ biến!

Diễu hành tuyên truyền an toàn giao thông

Th.S Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải nhận định: “Một điều tưởng rất đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn đối với người tham gia giao thông đó là không chịu tôn trọng và nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông. Thói quen mạnh ai nấy đi, bất chấp quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, đèo ba, đèo bốn, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, rú ga, bóp còi… là những hình ảnh thiếu văn hóa, nhưng vẫn hàng ngày diễn ra”.

Còn PGS-TS Phạm Đình Xinh cho rằng, nội dung tuyên truyền cần phải sinh động, phù hợp để mọi người đều hiểu, chứ kiểu như hiện nay quả là bát nháo, lộn xộn, chẳng đem lại hiệu quả gì, chỉ tốn kinh phí mà thôi.

 TS.Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học nhận định: “Sự chấp hành Luật Giao thông phụ thuộc vào sự đồng thuận của chính cộng đồng xã hội trước một chính sách chủ trương của Nhà nước. Liệu có bao nhiêu người dân đồng thuận với việc phân làn giao thông? Bao nhiêu người đồng ý với chủ trương cấm các phương tiện cá nhân lưu thông để giảm ùn tắc giao thông? Nếu có những nghiên cứu, bằng chứng khoa học cho vấn đề này trước khi đưa ra các chính sách thì sẽ tạo ra sự đồng tình của người dân và cũng là cơ sở để ý thức tham gia giao thông của người dân được tốt hơn. Nghiên cứu về ý thức của người tham gia giao thông cũng sẽ tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT”.

B.D.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh