Chân dung ông Phạm Nhật Vũ, người vừa hủy bỏ thương vụ 8.900 tỷ với Mobifone
- Huyệt vị
- 22:41 - 14/11/2018
Người về từ Liên Xô và tham vọng dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền
Ông Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972, quê tại Hải Phòng. Trong suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000, ông Vũ làm ăn tại Liên Xô, sau đó trở về nước kinh doanh bất động sản.
Năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu về truyền hình trả tiền – bước đi đầu tiên để 4 năm sau, Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG chính thức ra đời và phát sóng 2 năm sau đó.
Với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và sự đầu tư bài bản của ông Phạm Nhật Vũ, AVG đã có bước phát triển khá để đến hôm nay trở thành đơn vị nắm giữ số lượng giấy phép nhiều nhất trong số các doanh nghiệp truyền hình trả tiền được cấp phép. Công ty này hiện được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên hệ thống số mặt đất DVB-T2, số vệ tinh DVB-S2 và truyền hình Internet.
Ông Phạm Nhật Vũ
Tuy nhiên, cái đích xa nhất mà ông Phạm Nhật Vũ nhắm tới là đến năm 2020, AVG lọt vào top 3 những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam.
Mục tiêu thì đầy tham vọng nhưng thực hiện lại chỉ có chừng. Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến hết năm 2016, số thuê bao truyền hình trả tiền đạt 12,5 triệu thuê bao. Doanh thu truyền hình trả tiền năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng SCTV (Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist) đạt doanh thu 3.420 tỷ đồng. Tiếp đến là VSTV (sở hữu hệ thống K+) và VTC.
Trong khi các đối thủ liên tục tăng trưởng tốt về số thuê bao thì AVG lại gần như chững lại. Thêm vào đó, các thuê bao của AVG lại chủ yếu phát triển ở vùng nông thôn nhờ giá cước rẻ (từ 20.000-50.000 đồng mỗi tháng), thậm chí miễn phí thuê bao từ 1-2 năm nên khả năng gia tăng các nguồn thu từ dịch vụ khác cũng không đáng kể.
Điều này khiến AVG sau nhiều kỳ vọng, vẫn chưa thể hóa thành "đại gia" trong làng truyền hình trả tiền.
Ngoài AVG, ông Phạm Nhật Vũ còn có gì?
Theo tìm hiểu, ông Phạm Nhật Vũ hiện là Chủ tịch An Viên Group. Tập đoàn này có khá nhiều công ty con, trong đó có Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu, Công ty Cổ phần Truyền thông và Viễn thông An Viên, Công ty cổ phần An Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông Tri thức…
Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực truyền hình, ông Phạm Nhật Vũ còn là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp thịt bò tại phía Bắc Australia.
Cụ thể, tháng 10/2016, trang trại Vermelha thuộc Northern Territory, Australia đã được bán cho An Vien Pastoral Holding & Agriculture với giá 13,6 triệu USD. Theo Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia, danh sách các cổ đông lớn của An Vien Pastoral Holding & Agriculture có ông Phạm Nhật Vũ.
Trang trại Vermelha rộng hơn 2.000 km2, bao gồm 10.000 con bò. Theo hãng tin ABC, sau khi bán cho An Viên Pastoral Holding & Agriculture, trang trại Vermelha có thể được đa dạng hóa nhằm tận dụng tối đa giá trị.
Mỗi lần xuất hiện là dư luận xôn xao
Mặc dù xuất hiện trên truyền thông với tần suất thấp thế nhưng mỗi lần xuất hiện, ông Phạm Nhật Vũ lại khiến dư luận xôn xao. Điển hình là năm 2010, ông Vũ đã giành được thương vụ độc quyền phát sóng các giải đấu V-League trong vòng 20 năm.
Còn bây giờ, cái tên Phạm Nhật Vũ lại "nổi đình nổi đám" với quyết định hủy bỏ thương vụ 8.900 tỷ đồng với Mobifone.
Cụ thể, năm 2016, Mobifone công bố thông tin đã hoàn tất đàm phán mua 95% cố phần AVG. Tổng giá trị thương vụ là 8.889 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm, ngày 12/3 vừa qua, Hợp đồng mua cổ phần giữa Mobifone với AVG đã được hai bên thống nhất hủy bỏ dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, phía AVG nhận lại cổ phần công ty và hoàn trả các khoản tiền đã nhận từ Mobifone, trong khi phía Mobifone làm các thủ tục huỷ bỏ Hợp đồng. Theo lộ trình thanh lý hợp đồng, AVG sẽ hoàn trả 30% tổng giá trị hợp đồng trong 10 ngày và Mobifone sẽ chuyển giao ngay quyền kiểm soát.
Thương vụ AVG là một trong những vụ mua bán gây chú ý đặc biệt trong thời gian dài. Ngày 8/3 vừa qua, Ban Bí thư đã đánh giá đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban Bí thư.
Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Hiện, các diễn biến tiếp theo của thương vụ này vẫn đang được tiến hành trong sự chú ý đặc biệt của dư luận.