THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:40

Chân dung người tình đẹp nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 

Với chủ đề Thư tình gửi một người, đêm nhạc tưởng nhớ 16 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt đã tái hiện lại cuộc tình lãng mạn của nhạc sĩ họ Trịnh cùng người tình mang tên Dao Ánh. Câu chuyện được trích từ 300 bức thư mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho người yêu.

 Trong dịp kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt, bà Dao Ánh đã hồi âm cho em cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi không thể về tham gia chương trình. Bà gửi hình về và viết: “Chị gửi ảnh xem như thay mặt chị...”.

 

Những bức ảnh đầy kỷ niệm này vừa mới được công bố trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt mới đây.

  

Mối tình kì lạ của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh lần đầu tiên được tái hiện trên sân khấu “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người” nhân kỉ niệm 16 năm ngày mất của ông. Đêm nhạc sẽ là món quà mà gia đình và các nghệ sĩ dành tặng cho khán giả yêu nhạc Trịnh.

Trước khi chương trình diễn ra, BTC có gửi thư mời bà Dao Ánh - chủ nhân của 300 bức thư tình trong đêm nhạc này về tham dự chương trình, để cùng những người yêu nhạc Trịnh hát lại những ca khúc mà ông đã sáng tác tặng cho bà cũng như viết tặng cho đời, cho mình.

 

Dao Ánh từng nhận được 300 bức thư tình của Trịnh Công Sơn.

  

Trả lời thư mời, bà cho biết rất lấy làm tiếc khi không thể tham dự chương trình đặc biệt lần này.

“Muốn về lắm chứ nhưng chắc là không về kịp rồi. Chị gửi ảnh xem như thay mặt chị..", bà trả lời thư cho nữ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - người em gái út của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Bức ảnh chân dung thời trẻ với nét đẹp thu hút được bà Dao Ánh gửi về trước khi đêm nhạc chính thức được diễn ra.

  

Ngày 1/4/2011, đúng 10 năm sau ngày nhạc sĩ mất, bà Dao Ánh - người tình đầu tiên - một trong những người tình đã mãi mãi bất tử bằng những ca khúc của ông cho công bố hơn 300 bức thư tình Trịnh Công Sơn gửi cho bà. Những bức thư này đã hé mở phần sâu thẳm trong trái tim nhạc sĩ tài hoa, gắn với một thời đoạn khai sinh những ca khúc bất hủ về tình yêu và thân phận.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, ngày 1/4 vừa qua, khi gia đình đang chuẩn bị lo ngày giỗ lần thứ 16 cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà Dao Ánh đã gửi thư cho chị Trịnh Vĩnh Thuý - em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong thư bà viết: “Giờ này ở Việt Nam chắc đã là 1/4. Nén hương thắp lên và ngụm rượu nhấp môi, Ánh ngày xưa cũng như Ánh hôm nay, nhớ anh hôm nay cũng như nhớ anh bao ngày, tháng, năm đã qua, những ngày tháng, năm sắp tới. Thăm cả nhà."

 

Không chỉ gửi thư, bà Dao Ánh còn gửi tặng gia đình những bức ảnh còn trẻ rất xinh đẹp.

  

Dao Ánh là em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm (người mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng yêu và viết tặng Diễm xưa). Tuy nhiên mối tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Bích Diễm không sâu nặng như với Dao Ánh.

Chuyện kể lại, khi yêu Bích Diễm, những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao Ánh - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau, Dao Ánh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nói như nhạc sĩ Đinh Cường: “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao Ánh để rồi thất vọng, để rồi...”

"Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao Ánh, Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao Ánh trở về VN tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao Ánh nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại. Chính Dao Ánh là cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết: "Hai mươi năm xin trả nợ dài/ Trả nợ một đời em đã phụ tôi.(Xin trả nợ người)".

Ngay từ khi còn nhỏ, Dao Ánh đã ngưỡng mộ và yêu quý Trịnh Công Sơn. Chính vì thế, khi biết chị mình (Diễm) đã chia tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh viết thư cho ông để nói lên tình cảm thân thương đồng thời chia sẻ những chuyện không vui đang bủa vây ông. Ngay sau khi nhận thư, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hồi âm và từ đó cả hai thường xuyên trao đổi thư từ. Năm 1964, Dao Ánh mới 15 tuổi còn Trịnh Công Sơn 24 tuổi.

 

Ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho bà Dao Ánh.

  

Lá thư đầu tiên của ông viết cho Dao Ánh là vào ngày 2/9/1964. Đến lá thư cuối cùng qua e-mail vào ngày 17/1/2001, trước khi ông mất chưa đầy 3 tháng. Khi đó, ông đang nằm trên giường bệnh, không còn khả năng cầm viết, nhưng vẫn nhớ tới Dao Ánh nên nhờ bạn đánh máy và gửi hộ.

Kể từ ngày gặp Dao Ánh cho đến tận cuối cuộc đời, trong 37 năm, ông đã viết 300 lá thư cho Dao Ánh, nhiều nhất là khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1967.

 

Mối tình với Dao Ánh được xem là một trong những cuộc tình sâu đậm nhất trong cuộc đời Trịnh Công Sơn.

  

Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc hay cho Dao Ánh. Mỗi lần sáng tác xong, ông đều gửi kèm trong thư tặng Dao Ánh. Có thể kể đến là Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thánh…

Dù rất yêu Dao Ánh nhưng sau đó, cuộc tình họ cũng tan vỡ. Dao Ánh sang Mỹ tiếp tục học và lập gia đình nhưng bà vẫn giữ liên hệ rất thân thiết với những người trong nhà của nhạc sĩ.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bà Dao Ánh trong một lần hội ngộ.

  

“Sau này mỗi khi có dịp dù ở trong nước hay ở ngoài nước, chúng tôi vào một dịp chị về Việt Nam và chị nói với gia đình chúng tôi rằng, những lá thư này giờ đã nằm trong tâm tưởng của chị. Chị muốn đưa ra để mọi người cùng biết thêm về anh Sơn thời trẻ, thời yêu thương say đắm dẫn đến sự ra đời của những bản tình ca mượt mà. Khi chúng tôi chuẩn bị trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh Sơn, gia đình đã mời chị Ánh xuất hiện trước công chúng, nhưng vốn là người không thích có mặt trước đám đông nên chị đã cám ơn và xin khất lại… Nay thì chương trình này chị muốn có mặt lại không thể sắp xếp được. Thật tiếc”, nữ ca sĩ Trịnh Trinh chia sẻ.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh