THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Chậm triển khai quy hoạch, phải bồi thường cho dân

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu thực trạng: Hiện tại có hàng trăm loại quy hoạch đang tồn tại tại nhiều trạng thái khác nhau. Biểu hiện rõ nhất, khó khăn nhất, bất cập nhất, đó là quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch chống quy hoạch và nhất là quy hoạch treo. Vừa gây lãng phí nguồn lực, đồng thời một số quy hoạch gây bức xúc, bất bình trong nhân dân.

Ông Vượt cho rằng, việc xây dựng ban hành Luật Quy hoạch là cấp thiết làm cơ sở căn cứ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đại biểu này đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định quy hoạch nào đương nhiên bị hủy bỏ và quy hoạch nào nhà nước cấp có thẩm quyền phê duyệt phải công bố làm ngay các thủ tục để hủy bỏ hoặc điều chỉnh.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) góp ý về nguyên tắc lập quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, tính ổn định lâu dài có tầm nhìn 30 đến 50 năm và tầm nhìn 100 năm. Quy hoạch cũng phải từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên nhưng việc tham khảo ý kiến nhân dân là cần thiết, đúng quy định của pháp luật, mọi thay đổi quy hoạch đều phải tuân thủ đúng pháp luật.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) nhấn mạnh đến thực trạng thời gian qua, nhiều quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu chức năng về khu cụm công nghiệp, khu dân cư thương mại chậm hoặc không triển khai - hay còn gọi là “quy hoạch treo khá phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch.

 

ĐB Lê Công Đỉnh cho rằng, "quy hoạch treo' thì phải bồi thường cho dân" 

“Do vướng quy hoạch nên người dân không xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị Luật Quy hoạch cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch”, đại biểu Lê Công Đỉnh nhấn mạnh.

Theo đại biểu Lê Công Đỉnh, về nguyên tắc và theo quy định trong Dự thảo Luật, sau khi quy hoạch được công bố, phải có kế hoạch triển khai, nhưng thực tế lâu nay, nhiều quy hoạch chậm và không được triển khai.

"Lâu nay các quy hoạch chậm, không triển khai hay còn gọi là quy hoạch treo, chế tài không rõ, cứ như thế người dân lại càng khổ. Do đó, tại Điều 60 tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung chống việc chậm, không triển khai quy hoạch, quy định rõ thời gian phải triển khai hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng. Có chế tài quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do chậm, không triển khai quy hoạch gây ra”, đại biểu Lê Công Đỉnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, trước đây, chỉ một vùng, một khu đất quy hoạch treo đã khiến cho nhiều người dân lao đao, khốn khổ. Nay là quy hoạch đất cả quốc gia, nếu không thận trọng thì hậu quả sẽ rất lớn.

Đại biểu Lê Công Nhường đề nghị nên ưu tiên quy hoạch bám vào hiện trạng đang sử dụng đất của nhân dân và doanh nghiệp, và có phương án xử lý triển khai cho phù hợp, tránh quy hoạch treo cả quốc gia. Bởi vì, sau khi công bố quy hoạch và quy hoạch được phê duyệt thì ở Điều 59 và 60 sẽ xử lý các cá nhân và tổ chức vi phạm quy hoạch, trong khi đó dự thảo chưa đề cập đến hướng xử lý khi quy hoạch khác với hiện trạng sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp.

“Quy hoạch là một công cụ có tính hai mặt, nếu thực hiện tốt và có cơ sở khoa học thì nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu quy hoạch đã được thông qua mà những người thực thi không thực hiện tốt hoặc không khoa học thì nó sẽ là lực cản rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Bởi thế, tôi đề nghị Quốc hội xem xét cẩn trọng khi thông qua Dự thảo Luật, cũng như phải có biện pháp đối với đội ngũ thực thi ở giai đoạn tiếp theo”, đại biểu Lê Công Nhường nhấn mạnh.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh