Chạm tay vào ước mơ
- Bài thuốc hay
- 11:50 - 09/11/2022
Từ hộ nghèo nhất làng trở thành ông chủ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Phìa, xã Cổ Lũng thuộc huyện vùng cao Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, Lục Văn Hoàng cứ ngỡ, cuộc đời mình sẽ lại tiếp tục những công việc mà bao thế hệ nơi đây vẫn làm: trồng lúa, trồng rau và làm thêm những công việc thời vụ để kiếm sống qua ngày, rồi lấy vợ, sinh con như bất cứ thanh niên người dân tộc Thái nào. Học xong cấp 3, Hoàng đi học nấu ăn với mơ ước sau này mở quán ăn nhưng khi học xong, gia đình khó khăn, không có vốn, đành gác lại việc mở quán ăn để đi làm thuê, làm mướn. Nhưng với 3 triệu tiền lương mỗi tháng thì chỉ đủ chi tiêu cá nhân, không còn đồng nào dư dả để tích lũy nói gì đến việc mở quán. Cho đến khi phong trào đi xuất khẩu lao động bắt đầu xuất hiện tại các vùng quê nghèo. Gia đình khó khăn, Hoàng vay 28 triệu từ Ngân hàng chính sách để làm thủ tục đi Malaysia. May mắn vào được một doanh nghiệp làm ăn tốt, với công việc là công nhân may, lương của Hoàng tại Malaysia được 15-16 triệu/tháng chưa tính tiền làm thêm. Tháng nào đều việc, có thể kiếm được 20-21 triệu, trừ 6 triệu sinh hoạt phí, số tiền còn lại được Hoàng tiết kiệm gửi về nhà giúp bố mẹ trang trải nợ nần. Năm 2017, Hoàng về nước với số tiền 680 triệu đồng tích lũy được sau 4 năm làm nghề may tại Malaysia. Với số tiền này, chàng thanh niên người dân tộc Thái đã xây dựng trang trại nhỏ chăn nuôi dê, bò, rồi có sẵn tay nghề nấu ăn đã được học từ trước, Hoàng mở thêm cửa hàng ăn uống rồi lập gia đình. Vợ của Hoàng cũng từng đi lao động tại Malaysia, gặp nhau bên đó, yêu rồi về Việt Nam cưới.
Giờ Hoàng đã có một trang trại chăn nuôi dê, bò và là ông chủ một nhà hàng đặc sản vịt cổ lũng khá đông khách. Vừa đứng nấu bếp cho khách, vừa kể lại quá trình làm việc hơn 4 năm tại Malaysia, Hoàng bảo, nếu không ra nước ngoài làm việc, gia đình Hoàng có lẽ giờ vẫn là một hộ nghèo nhất làng, làm sao có thể thực hiện nổi ước mơ trở thành một ông chủ nhà hàng như hiện nay. Đi làm việc ở nước ngoài đã giúp chàng trai nghèo người Thái chạm tay được vào ước mơ thuở bé và có một cuộc sống sung túc hơn.
"Nhiều người hỏi tôi tại sao nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… thu nhập cao hơn mà lại chọn đi Malaysia, nhưng điều kiện kinh tế gia đình khi đó, tôi không có lựa chọn nào khác. Chạy vạy số tiền 28 triệu đồng để đi Malaysia làm việc lúc đó với gia đình tôi cũng khó khăn, may là thời điểm đó, tôi được hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách mới có tiền để đi . Nhưng tôi nghĩ đó là quyết định đúng đắn nhất của mình bởi nó đã mang lại một bước ngoặt cho cuộc sống của tôi", Hoàng chia sẻ.
Cũng như Hoàng, cuộc sống của Vũ Đình Gió tại xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng thay đổi hoàn toàn sau 4 năm đi làm việc ở nước ngoài. Trở về nước sau hơn 4 năm đi làm việc tại Hàn Quốc, Vũ Đình Gió đã mang theo giống dâu tây Hàn Quốc về quê khởi nghiệp, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Năm 2014, Gió tham gia chương trình EPS sang làm việc tại Hàn Quốc ngành nông nghiệp, qua nước bạn thì được giao trồng rau xanh và trồng dâu tại vườn công nghệ cao. Với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, sau tăng lên 30-40 triệu/tháng, cuối năm 2019, Gió về nước mang theo một số vốn kha khá và bắt tay vào vụ dâu tây đầu tiên ngay trên mảnh đất quê hương. Vụ đầu tiên, thiệt hại hơn 100 triệu đồng dù làm đúng kỹ thuật như đã được học tại Hàn Quốc.
"Thời gian đầu khởi nghiệp gian nan lắm. Mang được giống dâu từ Hàn Quốc về tưởng ngon lành nhưng nào ngờ, khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp, việc chăm sóc khó khăn vô cùng. Lúc mua được giống về, tôi lại gặp bế tắc vì chưa có phân bón, đến lúc có phân bón thì nguồn nước lại chưa xử lý được... nên . cây trồng chết hết. Dù có mấy năm kinh nghiệm trồng dâu bên Hàn Quốc nhưng khi về Việt Nam, phải mất 1-2 lần thất bại, tôi mới rút ra được quy trình sản xuất phù hợp, từ đó cây dâu mới phát triển tốt, cho quả.", Gió cho biết,.
Với diện tích trồng dâu hiện tại, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả, bán với giá từ 200-400 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm vườn dâu của Vũ Đình Gió mang về cho anh hơn 300 triệu đồng. Chia sẻ về dự định sắp tới, Gió cho biết sẽ mở rộng sản xuất để tạo việc làm cho người dân trong bản, đồng thời ấp ủ xây dựng trang trại theo hướng vừa sản xuất vừa làm du lịch cộng đồng theo mùa vụ.
Tăng cường tuyên truyền để đưa chính sách đến gần dân hơn
Hiện ở huyện Bắc Hà mới có 15 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Ông Lê Văn Khiêm - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc cho biết, chủ yếu mới chỉ có một số lao động ở khu vực có trình độ dân trí cao đăng ký đi làm việc ngoài nước, nhiều vùng khác, bà con muốn đi nhưng vẫn còn e dè.
“Ở địa phương hiện nay bà con chủ yếu là người dân tộc, làm nông nghiệp nên hầu hết lao động chỉ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế của địa phương. Người lao động sau khi trở về có thể áp dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có vào phát triển kinh tế. Nhiều người sau khi đi làm việc ở nước ngoài về, với những kiến thức thu nhận được, họ đã khởi nghiệp ngay tại địa phương, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp rất hiệu quả", ông Khiêm cho biết.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, số người lao động thuộc đối tượng chính sách, đặc biệt là lao động tại các huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, học ngoại ngữ, hỗ trợ sinh hoạt phí, thủ tục và tạo việc làm khi về nước.
"Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đều được hỗ trợ vay toàn bộ chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Dù vậy, số người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn. Điều này cho thấy chính sách còn chưa đến được với người dân.Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ cơ sở để tư vấn, hướng dẫn chính sách tới người lao động. Tuy nhiên, tuyên truyền thôi chưa đủ, cán bộ, chính quyền địa phương cần phối hợp tư vấn, hướng dẫn cụ thể về các chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mới thu hút được người dân", ông Liêm cho biết và nhấn mạnh, để đẩy mạnh chương trình đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện nghèo, xã nghèo, ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước thì bản thân người lao động cần có ý chí tự vươn lên, thay đổi suy nghĩ chỉ mong kiếm "việc nhẹ lương cao", chủ động tìm hiểu các chương trình, chính sách của Nhà nước để tìm công việc phù hợp.