Chăm sóc thay thế theo hình thức gia đình là lựa chọn hàng đầu
- Dược liệu
- 04:07 - 10/10/2020
Trong báo cáo các phát hiện từ Đánh giá nhanh tình trạng bỏ rơi trẻ em và chăm sóc nhận nuôi ở Việt Nam do Tổ chức Dịch vụ xã hội quốc tế (ISS) thực hiện, các chuyên gia cho rằng, chăm sóc nhận nuôi vẫn đang ở trong giai đoạn thai nghén ở Việt Nam, việc phát triển hoạt động này đang được thực hiện thông qua các chương trình thí điểm được xây dựng và tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Nhằm phát triển hệ thống chăm sóc thay thế hiệu quả và an toàn có cung cấp dịch vụ chăm sóc nhận nuôi, Chính phủ Việt Nam phải đảm bảo hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia thực hiện đầy đủ chức năng của mình, lồng ghép hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế chính thức và cơ chế kiểm soát phù hợp. Bằng việc suy xét kỹ lưỡng các nguyên tắc "cần thiết" và "phù hợp" được xác định trong nội dung chính của báo cáo, cũng như nền tảng của hệ thống bảo vệ trẻ em chặt chẽ. Rất có thể, khi có sự định hướng lại về trọng tâm, nguồn lực và hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình, nhiều trẻ em đang được chăm sóc thay thế tại Việt Nam đã có thể, hoặc đáng lẽ ra nên được tiếp tục chăm sóc bởi cha mẹ và/hoặc người thân thích trong gia đình.
Các chuyên gia cho rằng, chăm sóc thay thế cho trẻ em cần tuân theo nguyên tắc "cần thiết": Không nên tách bất cứ trẻ em nào khỏi sự chăm sóc của cha mẹ, trừ khi được quyết định thông qua việc đánh giá nghiêm ngặt và vì lợi ích tốt nhất của trẻ, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng. Mọi nỗ lực cần phải chú trọng vào công tác phòng ngừa, ra quyết định phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Không được tách trẻ khỏi cha mẹ, trừ một số trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu được cơ quan tư pháp xem xét dựa vào trường hợp cụ thể. Khó khăn về tài chính và vật chất - không bao giờ là lý do duy nhất cho việc tách trẻ ra khỏi gia đình/đưa trẻ vào chăm sóc thay thế/ngăn ngừa trẻ em tái hòa nhập. Bởi, cha mẹ nghèo không có nghĩa là cha mẹ "tồi" hoặc bỏ bê con cái.
Cũng theo số liệu từ báo cáo, nhiều trẻ em đang được chăm sóc thay thế, có ít nhất một cha hoặc mẹ còn sống và/hoặc họ hàng. Ước tính, khoảng 95% trẻ em được chăm sóc thay thế có cha hoặc mẹ còn sống. Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu đoàn tụ với cha mẹ hoặc với gia đình họ hàng phải càng sớm càng tốt, trừ khi đó không phải lợi ích tốt nhất của trẻ. Không nên ép buộc trẻ em nào từ bỏ các mối quan hệ gia đình trong thời gian được chăm sóc. Chăm sóc thay thế cần mang tính tạm thời và cần đưa trẻ quay lại với cha mẹ càng sớm càng tốt khi đã giải quyết các nguyên nhân dẫn đến việc tách trẻ ra khỏi cha mẹ.
Theo nguyên tắc "Phù hợp", nên đưa trẻ ra khỏi trung tâm chăm sóc theo hướng dẫn của Liên hợp quốc - Chiến lược của Nhà nước về đưa trẻ ra khỏi trung tâm chăm sóc. Các mục tiêu và mục đích cụ thể đối với cải cách hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho phép "xóa bỏ dần" các cơ sở chăm sóc, đảm bảo mọi cải cách với hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia đều cung cấp dịch vụ phòng ngừa, giúp đoàn tụ gia đình và đưa ra các lựa chọn chăm sóc thay thế phù hợp hơn.
Về chất lượng chăm sóc, cung cấp sự gắn kết với người chăm sóc chính của trẻ, đáp ứng nhu cầu của trẻ trong môi trường không chỉ tập trung vào các vấn đề tiền bạc và điều kiện vật chất mà còn cần tạo ra môi trường có sự yêu thương và quan tâm. Đảm bảo trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột và sao nhãng. Đảm bảo tiếp cận các dịch vụ chuyên khoa - y tế, hỗ trợ tâm lý xã hội, nhu cầu giáo dục đặc biệt, tố tụng pháp lý… Trẻ em không bị cô lập, sống hòa đồng và chủ động giao tiếp với cộng đồng địa phương. Anh chị em ruột được ở bên nhau.
Các kế hoạch hỗ trợ dành cho trẻ rời chương trình chăm sóc cần có đủ đội ngũ nhân viên đủ năng lực và có động lực làm việc để cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân cho trẻ em. Trong trường hợp áp dụng chăm sóc theo hình thức gia đình, như chăm sóc nhận nuôi, gia đình phải được lựa chọn kỹ càng, tập huấn và hỗ trợ. Tăng cường quản lý các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc. Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của các nguyên tắc cần thiết và phù hợp, cần phải có hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia hoạt động tốt và thiết lập quy trình kiểm soát - chăm sóc thay thế là một phần không thể thiếu trong hệ thống bảo vệ trẻ em.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đánh giáo cao những nội dung báo cáo và nội dung thảo luận của các đại biểu đưa ra. "Chăm sóc thay thế trẻ em tại Việt Nam trong thời gian qua được ưu tiên và UNICEF hỗ trợ để tham mưu xây dựng chính sách cũng như xây dựng mô hình tại địa phương. Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cần đánh giá lại hiệu quả của các mô hình để làm cơ sở xây dựng thành 1 hợp phần trong Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2030 hoặc xây dựng Chương trình, Đề án riêng về chăm sóc thay thế trẻ em giai đoạn 2020-2025", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.