Chăm lo phụ nữ, trẻ em là những việc có tính nền tảng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:03 - 03/10/2015
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chia sẻ với các đại biểu ở điểm cầu Hà Nội cùng các địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng cần nhìn thẳng vào những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống do những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập trong một bộ phận dân cư hiện nay.
Nêu câu hỏi phải chăng người Việt Nam vốn vậy, Phó Thủ tướng khẳng định: Chắn chắn không phải. Bởi nhìn lại lịch sử hào hùng nghìn năm của dân tộc, Việt Nam vẫn luôn tự hào có một nền văn hiến rất rực rỡ.
Ngay trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc từ nghìn năm nếu không dựa trên một nền tảng văn hiến, văn hóa, chính nghĩa, sáng tạo, dũng cảm thì chúng ta không thể chiến thắng được. Và ngay bây giờ, rất nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại, thể hiện cô đọng trong từng phẩm chất của người Việt Nam.
“Làm sao trong thời kỳ hội nhập, chúng ta học hỏi những nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khác mà giữ được những cái tốt của dân tộc mình, có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những thứ phi đạo đức, những cái xấu xâm mòn. Đó là mục đích lớn nhất của đề án 343, đề án 704 cũng như nhiều đề án, chương trình khác để cái tốt được nhân lên, cái xấu ít đi”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Cho rằng giá trị đạo đức không phải là khái niệm cao siêu, Phó Thủ tướng lấy ví dụ từ những việc rất cụ thể, tưởng chừng như rất nhỏ như không trồng rau bẩn để bán, không gian dối đưa chất không tốt vào sản phẩm xuất khẩu, không đeo bám, chặt chém du khách… Làm được như vậy không chỉ chất lượng cuộc sống của mỗi người tốt hơn mà chi phí điều trị bệnh tật do thực phẩm bẩn cũng giảm đi; hàng xuất khẩu được nhiều hơn thì giá trị kinh tế mang lại cũng lớn hơn; du khách đến Việt Nam nhiều hơn.
“Rất nhiều người nói bây giờ cuộc sống tốt hơn ngày xưa rất nhiều nhưng nếu chỉ có vật chất mà đạo đức xã hội không tốt thì chúng ta không thể sống hạnh phúc được. Và đấy không phải là mục tiêu sống của từng người và không phải là mục tiêu phát triển của đất nước”, theo Phó Thủ tướng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi đắp nền tảng, phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới, những nội dung của 2 đề án 343 và 704 cần được tiếp tục triển khai thực hiện một cách cụ thể, thiết thực hơn, qua đó góp phần nhân rộng những điều tốt, ngăn chặn và hạn chế những cái xấu trong xã hội, biểu dương, nhân rộng những việc tốt.
Các mô hình, phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn hoá, đạo đức, lối sống trong thời gian tới cần được tổ chức hiệu quả, phát huy vai trò gương mẫu, tích cực của phụ nữ Việt Nam trong tình hình mới của đất nước.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sau 5 năm triển khai Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước, giai đoạn 2010 – 2015 đã có những kết quả tạo nền tảng cho việc tuyên truyền vào những phẩm chất đạo đức trong thời kỳ mới.
Qua đề án, trên 70% phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ viên chức, nữ công nhân được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, dù mục tiêu cụ thể trong 5 năm qua không đề cập đến việc chuyển đổi hành vi nhưng qua khảo sát phụ nữ và người dân trong cộng đồng vào cuối năm 2014 đã cho thấy kết quả bước đầu đã có tác động đến chuyển đổi hành vi đạo đức. Đã có trên 30 nghìn tấm gương phụ nữ được biểu dương, tôn vinh qua cuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam” và hơn 9 nghìn tập thể, hơn 19 nghìn cá nhân được biểu dương qua Đại hội thi đua các cấp và Hội nghị điển hình tiên tiến của Hội LHPN Việt Nam từ cơ sở.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” giai đoạn 2010 - 2015 với mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy trẻ giúp cho 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức và áp dụng thực hiện nuôi, dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em vi phạm vấn đề đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, góp phần cùng toàn xã hội thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, thực hiện xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.
Qua 5 năm thực hiện đề án, 63 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu với hơn 8,4 triệu bà mẹ và gần 3 triệu ông bố có con dưới 16 tuổi được tập huấn, trang bị kiến thức, thay đổi hành vi về phương pháp nuôi, dạy con khoa học; trên 3,7 triệu trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe, sinh sản và giáo dục kỹ năng sống.
Từ kinh nghiệm của mô hình điểm “Cha mẹ nuôi, dạy con tốt”, nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập được câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như tỉnh Hà Nam với mô hình “Người cha tốt của con”; Bắc Kạn thành lập câu lạc bộ “Người bố tâm lý”, tỉnh Hà Tĩnh với câu lạc bộ “Khi mẹ vắng nhà”, “Quyền trẻ em”, "Gia đình hạnh phúc - nông thôn mới", "Gia đình hạnh phúc, sống tốt đời đẹp đạo", “Liên thế hệ tự giúp nhau”; tỉnh Tây Ninh có câu lạc bộ “Mẹ và con gái”, Bến Tre với câu lạc bộ “Nữ sinh thân thiện”, “Tuổi hồng”; Bạc Liêu với mô hình “Cha là tấm gương sáng của con”; Cần Thơ với câu lạc bộ “Tư vấn cho trẻ em gái”; Quảng Ninh với câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống”... nâng tổng số loại mô hình mới được xây dựng trong quá trình thực hiện đề án là 2.741 loại mô hình phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng.
Điểm đáng ghi nhận là các mô hình tại các địa bàn dân tộc, tôn giáo, miền núi (Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Đắc Lắk, Gia Lai..) đã giúp phụ nữ mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động của địa phương, vay vốn để đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.