Chăm lo nơi an cư cho người lao động
- Dược liệu
- 19:02 - 01/05/2023
Một chương trình nhân văn lớn
Dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn NƠXH. Trong đó đến năm 2025 cần 1,2 triệu căn, đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 1,2 triệu/2,7 triệu công nhân KCN có nhu cầu về nhà ở.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án NƠXH khu vực đô thị và nhà ở công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Số dự án đang được triển khai là 401 với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, trong đó 245 dự án với quy mô 300.000 căn đang thực hiện thủ tục đầu tư; 156 dự án với quy mô 156.700 căn đang đầu tư xây dựng.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song Chính phủ cho rằng tỷ lệ này mới đạt 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020. Nhu cầu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân các KCN luôn tăng cao theo từng giai đoạn. Số liệu từ 60/63 tỉnh, thành phố về NƠXH gửi về Bộ Xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2.400.000 căn.
Trước nhu cầu bức thiết về nhà của công nhân, lao động khu vực đô thị, ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người có thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người có thu nhập thấp có nơi ăn chốn ở phù hợp.
Điểm nhấn của đề án là trong tổng số vốn dự kiến 849.000 tỷ đồng thì vốn xã hội hóa là chủ yếu. Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển NƠXH; một số quy định sẽ được bổ sung như huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và vốn nước ngoài để phát triển NƠXH; chỉ tiêu phát triển NƠXH là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương.
Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác cho chủ đầu tư và người mua NƠXH, nhà ở công nhân vay. Lãi suất cho những nhóm này thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường, trong từng thời kỳ.
Mục tiêu mà Chiến lược đề ra là trong giai đoạn 2016 -2020 đưa tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) đạt trên 90%, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở tại các tổ chức đô thị loại III trở lên. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người.
Doanh nghiệp vào cuộc
Mới đây, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân công bố kế hoạch tập trung nguồn lực để triển khai cung cấp 50.000 căn hộ NƠXH tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tạo nơi an cư cho hàng chục nghìn hộ gia đình trong giai đoạn 2022 - 2027.
Thông tin thêm về các dự án này, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị quỹ đất sạch để triển khai xây dựng NƠXH 5 năm. Một số dự án đã triển khai giai đoạn đầu gồm: Khu đô thị mới Mê Kông City và Khu nhà ở xã hội Phúc Long - Vĩnh Long; Khu đô thị mới Trà Vinh; dự án Golden City - tại Tây Ninh; Khu đô thị mới Nam Phan Thiết - Bình Thuận…
Cũng là một trong các doanh nghiệp lớn đầu tư vào phân khúc NƠXH, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, doanh nghiệp phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn NƠXH tập trung tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Quy mô của các dự án sẽ từ 50 - 60ha. Những dự án này nằm tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại hoặc là các khu đất NƠXH trong các đại dự án của Vinhomes. Dự kiến giá bán căn hộ tại đây dao động từ 300 - 950 triệu đồng/căn.
Bên cạnh Vinhomes, ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Viglacera cho hay, doanh nghiệp đặt kế hoạch chuẩn bị và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha KCN, 200ha nhà ở trong giai đoạn 2022 - 2023. Trong đó, đầu tư phát triển các khu NƠXH, nhà ở công nhân đồng bộ với phát triển KCN hiện có như: Nhà ở công nhân tại KCN Đồng Văn IV (Hà Nam), Phú Hà (Phú Thọ), Đông Mai và Hải Yên (Quảng Ninh) hay Thuận Thanh, Yên Phong (Bắc Ninh).
Đầu tháng 2/2022, Viglacera đã động thổ khởi công 2 dự án tại KCN Thuận Thành I và KCN Yên Phong cung cấp trên 3.000 căn hộ cho công nhân sinh sống và làm việc tại các KCN với mức giá từ 7,1 - 8,5 triệu đồng/m2 nhưng vẫn đảm bảo đồng bộ về hạ tầng dịch vụ như: Trung tâm y tế, văn hóa, nhà trẻ, sân thể thao ngoài trời, siêu thị…
Còn với Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD - Bộ Xây dựng) từ đầu năm nay cũng đã khởi công 5 dự án, với 2.560 căn hộ. Dự kiến đến năm 2025, HUD sẽ triển khai hàng loạt dự án NƠXH tại các địa phương, với hơn 8.000 căn hộ, đưa tổng diện tích NƠXH HUD cán mốc khoảng 1 triệu M2 sàn, gần 11.000 căn hộ. Các dự án của HUD xây dựng tại các địa phương đã đưa vào sử dụng đều được người lao động đánh giá cao về chất lượng, giá thành hợp lý. Đơn cử dự án NƠXH Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh, Hà Nội) có tổng số 1.030 căn hộ, diện tích từ 52 - 69m2, có mức giá từ 8,3 triệu đồng/m2, góp phần bảo đảm chỗ ở cho người dân địa phương có nhu cầu.
Tập đoàn Novaland sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ NƠXH tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Ngoài ra, liên doanh BIC và Him Lam cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng cho 3 tòa nhà cao 22 tầng và khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.
Tại tỉnh Bình Dương, cuối năm 2022, Tổng công ty Becamex IDC đã khánh thành khu 2 NƠXH Định Hòa và động thổ các dự án NƠXH ở những khu vực đông công nhân lao động. Dự kiến đến cuối năm 2023, Becamex IDC tiếp tục chi khoảng 9.500 tỷ đồng để xây dựng 20.000 căn NƠXH tại khu VietSing (TP. Thuận An), khu Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một), khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng).
Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Tập đoàn Novaland cho rằng, các chính sách hỗ trợ NƠXH, nhà ở công nhân lao động đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển NƠXH, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NƠXH bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần được khắc phục, để từ đó thúc đẩy phát triển NƠXH nói chung và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào quá trình xây dựng NƠXH nói riêng hoàn thành tốt hơn.
Cụ thể, các thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án NƠXH... phải thực hiện thêm các thủ tục: Thẩm định giá bán NƠXH, xác nhận đối tượng mua, thuê mua NƠXH, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư; các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn... “Các doanh nghiệp bất động sản nói chung và Novaland mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện thể chế, chính sách để doanh nghiệp có thể triển khai nhanh nhất”, Chủ tịch Tập đoàn Novaland bày tỏ.
Cùng với các chính sách ưu đãi của Chính phủ và các địa phương, việc các doanh nghiệp bất động sản lớn bắt tay vào làm NƠXH là tín hiệu tích cực cho thị trường, hứa hẹn giải bài toán thiếu nguồn cung trầm trọng NƠXH nhiều năm qua, giúp người lao động, người có thu nhập thấp hiện thực hoá giấc mơ có nhà. Khi bài toán nhà ở được giải quyết, vấn đề về an sinh xã hội được đảm bảo người lao động sẽ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp gia lao động sản xuất hiệu quả.