CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:28

Chậm hủy chuyến bay, hành khách được đền bù như thế nào?

Tình hình chậm, hủy chuyến bay sau một thời gian được khắc phục rõ nét, thì nay lại có hiện tượng tái diễn. Chỉ tính riêng trong tháng 3, cả ba hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar đã thực hiện hơn 17.000 chuyến bay, thế nhưng có hơn 3.000 chuyến bay chậm, hủy chuyến. Kéo theo đó là hàng trăm nghìn hành khách bị ảnh hưởng. Trong số này, cũng có những chuyến bay được thông báo trước, cũng có những chuyến bay thông báo muộn, khiến hành khách không khỏi bực mình.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 3, số lượng các lượt chuyến bay chậm, hủy có diễn biến phức tạp. Cụ thể, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) đã thực hiện 9.760 chuyến bay thì có tới 1.661 chuyến bay chậm, 49 chuyến bay hủy; VietJet (VJ) thực hiện 5.823 chuyến bay thì có 927 chuyến chậm và 22 chuyến hủy; Jetstar Pacific(JP) thực hiện 2.231 chuyến bay thì có 471 chuyến chậm và 20 chuyến hủy. 

Trao đổi với phóng viên, đại diện của Hãng hàng không VNA thừa nhận: Trong nhiều năm qua, VNA luôn là hãng hàng không có chỉ số đúng giờ và hệ số tin cậy khai thác trung bình ở mức cao, ngang bằng các hãng hàng không lớn, có uy tín trên thế giới và khu vực. 

Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 3 hằng năm, thời tiết chuyển mùa, trời mù trên diện rộng, tầm nhìn tại nhiều sân bay dưới tiêu chuẩn khai thác an toàn, đặc biệt các sân Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt, Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Huế… gây ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng chậm chuyến, chậm chuyến dây chuyền và hủy chuyến. Mặc dù đã rất nỗ lực, tập trung điều hành các chuyến bay nhưng không thể tránh khỏi yếu tố thời tiết đặc thù này.

Hoạt động của các hãng HKVN tại CHKQT Tân Sơn Nhất. (Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam).

Bên cạnh đó, trong hơn 1 năm trở lại đây, hạn chế về cơ sở hạ tầng tại sân bay Tân Sơn Nhất không đáp ứng đủ việc tăng tần suất khai thác của nhiều hãng. Mật độ khai thác tại Tân Sơn Nhất vào những khung giờ cao điểm rất lớn, các máy bay thường phải chờ đến lượt cất/hạ cánh là nguyên nhân chủ yếu khiến các chỉ số khai thác không đạt được như mong muốn. 

Đặc biệt, trong tháng 3, sự cố sập cầu Ghềnh đã khiến tình hình giao thông công cộng Bắc – Nam có những biến động lớn, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao, vượt quá khả năng điều hành khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất, gây ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác thường lệ của hãng. 

Với tần suất khai thác ít hơn, đại diện của Hãng hàng không JP cũng thẳng thắn, tháng 3 vừa qua do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, máy bay không thể hạ cánh vì lý do đảm bảo an toàn, do đó tỷ lệ các chuyến bay bị hủy tăng cao. Bên cạnh đó, cũng vì lý do thời tiết, nhiều chuyến bay phải bay vòng chờ thời tiết tốt hơn để hạ cánh dẫn đến số chuyến bay bị chậm tăng cao.

Với hàng loạt chuyến bay chậm, hủy chuyến, vậy các hãng hàng không sẽ hỗ trợ, đền bù khách như thế nào? Trả lời câu hỏi này, đại diện của hãng VNA tiết lộ: Căn cứ quy định tại Thông tư 14 của Bộ Giao thông Vận tải, mức bồi thường hiện đang căn cứ theo thời gian chậm (trên 4 giờ) và theo độ dài chặng bay. Trong trường hợp các chuyến bay chậm trên 4 giờ thì đường các chuyến bay có độ dài từ 5.000km trở lên sẽ có mức bồi thường cao nhất (150 USD/khách).

Trong tháng 3-2016, các đơn vị của VNA đã bồi thường, phục vụ ăn, uống, di chuyển đường bộ… cho hành khách tổng cộng hơn 4 tỷ VNĐ.  Đại diện của JP cũng cho biết, tính riêng tháng 3-2016, khoản chi phí bồi thường cho hành khách theo quy định khoảng trên 200 triệu đồng, chưa bao gồm thiệt hại tiêu hao nhiên liệu, các khoản chi phí khác.  

Trước việc các hãng hàng không chậm, hủy chuyến, nhiều hành khách tỏ ra nghi ngờ về việc các hãng hàng không dồn chuyến, lấy lý do kỹ thuật, thời tiết để tránh hỗ trợ khách hàng, phóng viên đã có trao đổi thẳng thắn với ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Ông Cường cho hay, trong kinh doanh vận chuyển hàng, các hãng hàng không phải tổ chức khai thác đội máy bay một cách hiệu quả nhất, hài hoà giữa khai thác bay và công tác bảo trì máy bay đủ điều kiện bay. 

Theo đó, một máy bay sẽ được xếp lịch bay thực hiện nhiều chuyến bay trong ngày trên cùng một đường bay hoặc trên các đường bay khác nhau. Không thể vì ít khách mà hãng quyết định huỷ chuyến bay A để “dồn” số khách đó sang chuyến bay B vì máy bay thực hiện chuyến bay A phải chuyên chở khách ở sân bay đến trong chuyến bay C và các chuyến bay tiếp theo trong lịch bay ngày mà máy bay đó thực hiện.

Ông Võ Huy Cường cũng nhấn mạnh thêm: Trong tất cả các quy định pháp luật, hãng hàng không chỉ được miễn trừ trách nhiệm bồi thường ứng trước không hoàn lại trong các trường hợp gồm: Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay, sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình khai thác tàu bay, nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay và chuyến bay không thể thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không phải do lỗi của hãng hàng không...

Như vậy, với mọi lý do chậm/hủy mà nguyên nhân xuất phát từ hãng hàng không, hoạt động điều hành tại cảng hàng không, quản lý điều hành bay, chậm dây chuyền thì hãng hàng không vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định.

Thanh Huyền/CAND

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh