Chăm “chiến binh” ức chế vi rút Zika trên đảo Trí Nguyên
- Sức khỏe
- 12:51 - 03/04/2016
Mở ra nhiều hy vọng
Giữa tháng 3/2016, bác sĩ Lê Tấn Phùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thông báo về tin vui cho nền y học Việt Nam nói chung và y học Khánh Hòa nói riêng, đó là việc Viện Vệ sinh dịch tễ Tung ương chính thức công nhận loại muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia đang nuôi tại làng đảo Trí Nguyên có khả năng ức chế vi rút Zika- Vi rút gây ra bệnh đầu nhỏ, đang gây ra nhiều nỗi đau, lo lắng cho nhiều nước trên thế giới.
Sau khi thông tin Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương này được công bố, những ngư dân trên đảo Trí Nguyên và các kỹ thuật viên càng háo hức nuôi và theo muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia hơn. Theo quy trình hiện nay, thì trứng muỗi aegypti mang Wolbachia được thu thập, bảo quản tại phòng thí nghiệm và chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang. Tại Viện Pasteur Nha Trang, sau trứng được ấp nở thành lăng quăng và nuôi đến giai đoạn muỗi trưởng thành (2-3 ngày tuổi), muỗi được chia vào các hũ với số lượng khoảng 25-30 con và chuyển sang đảo Trí Nguyên cho người dân chăm sóc. Đến khi trưởng thành thì thả ra để nó tiêu diệt và thay thế các loại muỗi độc tự nhiên.
Nghiên cứu loại muỗi aegypti có thể ức chế sự phát triển của vi rút Zika.
Ra đảo Trí Nguyên những ngày này, khắp các ngõ ngách ai ai cũng bàn chuyện chăm muỗi và theo dõi muỗi. Bà Nguyễn Thị Lê, một trong những người mát tay trong việc chăm muỗi tâm sự: Nếu chăm trẻ con phải để ý hắt hơi, xổ mũi, các bệnh thay đổi theo thời tiết thì chăm loại muỗi đặc biệt này cũng vậy đấy.
Nhất là sau khi được kiểm nghiệm muỗi này có thể là “khắc tinh” của vi rút Zika thì chúng tôi càng tận tình chăm muỗi Aegypti hơn. Các nhân viên của dự án cũng liên tục ra đảo Trí Nguyên để hướng dẫn người dân tận tình. Bà Lê và nhiều người khác bảo; cứ nhìn muỗi lớn lên từng ngày rồi phát triển thành con muỗi trưởng thành rồi ra chiến đấu với các loại muỗi độc khác là vui lắm, cảm giác như mình vừa hoàn thành một công việc nhọc nhằn vậy.
Nhân rộng đàn “chiến binh”
Đến thời điểm này, dù chưa có người bị nhiễm vi rút Zika nhưng Bộ Y tế đã khuyến nghị tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận nâng mức độ cảnh báo, phòng chống dịch, coi như đang có Zika để triển khai ngay các biện pháp phòng chống. Chính thế nên việc nhân giống và tăng cường đàn muỗi Aegypti càng trở nên quan trọng. Kỹ thuật viên nuôi muỗi Lê Thị Thu Thảo cho biết: Với kết luận kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về loại muỗi Aegypti đang nuôi ở đảo Trí Nguyên thì chúng ta có quyền hy vọng loại muỗi này sẽ góp phần tích cực vào việc ức chế vi rút Zika khi đàn muỗi này được nhân rộng ra và tăng số lượng lên.
Môi trường trên đảo Trí Nguyên rất thích hợp để phát triển đàn muỗi Aegypti.
Ông Ba Chính, một ngư dân hăng hái với dự án chăm sóc và nhân giống muỗi Aegypti ở Trí Nguyên vui mừng bộc bạch: “Mấy lần tôi đã nhìn thấy muỗi aegypti tiêu diệt các loại muỗi vằn trên đảo Trí Nguyên rồi. Chính vì có các “người hùng” này nên tình trạng các bệnh tật truyền nhiễm qua muỗi, bệnh sốt xuất huyết không còn xuất hiện trên làng đảo nữa. Muỗi chú muỗi Aegypti trưởng thành có thể tiêu diệt được hàng trăm con muỗi độc khác. Hơn nữa, loại muỗi Aegypti này lại rất thân thiện với con người, có chích đốt cũng không hề gây tác hại gì cả”.
Đây không chỉ là nỗi vui mừng khôn xiết với những ngư dân trên đảo Trí Nguyên mà còn là một thành công đáng kể của nền y học Việt Nam. Một điều độc đáo nữa đối với muỗi Aegypti trên đảo Trí Nguyên là khi muỗi đực có mê mẩn và cặp đôi với các loại muỗi tự nhiên khác thì trứng muỗi đẻ ra sẽ không nở - do đó đồng thời làm giảm một phần số lượng muỗi tự nhiên.
Ngư dân Trần Hữu Chung hào hứng cho biết, lợi của loài muỗi này: “Nhiều khi thấy trong người mệt mệt cứ ngồi yên cho muỗi Aegypti chích đốt lại thấy thoải mái hơn. Nhiều người không tin nhưng khi thử xong thì mới tin. Bây giờ nghe thấy có nguy cơ nhiễm vi rút Zika thì nhiều ngư dân chăm sóc muỗi trên đảo Trí Nguyên càng muốn cho muỗi Aegypti chích đốt hơn”.