CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:08

Du khách Australia nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam

 

Chiều 23/3, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia đã xác định một trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam.

Du khach Australia nhiem virus Zika sau khi tro ve tu VN hinh anh
Virus Zika có thể gây teo não bào thai khiến đứa trẻ sinh ra có bộ não nhỏ hơn bình thường. Ảnh:BBC

Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khi Rhesus vào năm 1947, tại Uganda và vào năm 1948, phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

Đặc biệt, những bà mẹ đang mang thai nhiễm Zika virus sẽ gây biến dạng bào thai. Con sinh ra có não bộ nhỏ hơn bình thường (gọi là tật đầu nhỏ).

Du khách này đến Việt Nam từ ngày 26/2 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3, đến ngày 8/3, có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn.

Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối của WHO, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để làm việc với UBND và các Sở, ban, ngành liên quan trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tại, 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận sự lưu hành của virus Zika, trong đó có một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Các biện pháp phòng bệnh lây lan từ virus Zika

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo Zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh